Search This Blog

Thursday, December 23, 2010

 CUỘC CHIẾN TẠI TỈNH TIỀN GIANG TRONG THỜI KỲ 1968-73 , QUA CÁI NHÌN CỦA BAN LẢNH ĐẠO CS TỈNH TIỀN GIANG .

(VÌ TÔN TRỌNG NGUYÊN VĂN , NÊN TỪ NGỬ ĐÔI CHỔ HƠI KHÓ NGHE VỚI MỘT SỐ BẠN ĐỌC , NHƯNG ĐỂ TÔN TRỌNG CÁC QUAN ĐIỂM KHÁC NHAU , TÔI KHÔNG SỬA CHỬA . MONG CÁC BẠN THÔNG CẢM -TAT) .

- - - - - - - - - - - - - -

IV. Đấu tranh chống Mỹ ngụy phản kích, chiến dịch xuân hè 1972 (10/1968 - 01/1973)
1. KIÊN CƯỜNG BÁM TRỤ CHỐNG MỸ NGỤY PHẢN KÍCH LẤN CHIẾM (1969-1971)

Thắng lợi có ý nghĩa to lớn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) buộc phải chuyển sang chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", mục tiêu của chiến lược nầy là rút dần quân Mỹ ra khỏi miền Nam nhưng vẫn giữ được chính quyền tay sai thân Mỹ. Do đó, đế quốc Mỹ tăng cường mọi tiềm lực cho VNCH, tận dụng lực lượng Mỹ và chư hầu còn lại ở miền Nam dùng không quân đánh phá tất cả các tuyến hành lang chiến lược hòng cắt đứt mọi nguồn chi viện của ta; cùng quân ngụy đẩy mạnh phản kích bằng các chương trình "Bình định cấp tốc”, "Bình định xây dựng", “Bình định đặc biệt" nhằm đẩy lực lượng chủ lực của ta ra xa thành phố, các căn cứ quân sự của Mỹ, ngụy và tiêu diệt cơ sở hạ tầng của cách mạng.

Đầu 1969, ở tỉnh Mỹ Tho- Gò Công và thành phố Mỹ Tho Mỹ ngụy tập trung lực lượng phản kích nhằm đẩy lực lượng chủ lực của ta ra khỏi các vùng ven thành phố, Thị xã, Thị trấn, ven các tuyến giao thông huyết mạch. Càn quét đánh chiếm đến đâu, địch triển khai ngay kế hoạch “bình định” nông thôn.

Mỹ, ngụy đưa về tỉnh Mỹ Tho, Gò Công và thành phố Mỹ Tho 89 đoàn bình định. Địch chọn xã Thanh Hưng, huyện Cái Bè làm nơi bình định thí điểm của tỉnh Mỹ Tho và tiến hành bình định trắng ở Gò Công. Đến tháng 4-1969 ở Mỹ Tho, Gò Công và thành phố Mỹ Tho địch đóng hơn 1.000 đồn bót và chiếm lại hầu hết các vùng nông thôn, biến khu trù mật Mỹ Phước Tây thành trung tâm huấn luyện biệt kích Mỹ và sử dụng lực lượng này để đánh phá toàn bộ các vùng xung quanh thuộc khu vực Đồng Tháp Mười. Địch sử dụng máy bay B52 và chất độc hóa học đánh phá có tính hủy diệt các vùng giải phóng của hai huyện Cai Lậy và Cái Bè. Các xã giải phóng từ Đông, Tây lộ 12 (huyện Cai Lậy) đến lộ 20, kinh 28 (huyện Cái Bè) các xã tuyến rạch Ba Rài… hàng ngày phải chịu hàng chục tấn bom B52 làm cho vườn cây, hoa màu dọc tuyến kinh Nguyễn Văn Tiếp, rạch trà Tân rạch Ba Rài đều trụi lá. Hàng ngày, địch cho “cá nóc"(1) rà sát ngọn cây soi bói tìm các cơ quan của ta để đánh điểm. Địch thường xuyên phục kích các đường hành lang làm cho giao thông vận chuyển của ta gặp nhiều khó khăn.

Ở Gò Công, địch tổ chức cuộc hội thảo (5-2-1969) về “bình định nông thôn” của vùng 4 chiến thuật. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu về dự và đã khuyến khích ngụy quyền tích cực xây dựng Gò Công thành tỉnh “bình định kiểu mẫu” cho toàn miền Nam.

Với chương trình bình định trong chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, địch đã gây cho quân và dân tỉnh Mỹ Tho, Gò Công và thành phố Mỹ Tho nhiều khó khăn. Vùng giải phóng bị thu hẹp, các lõm căn cứ bị đánh phá liên tục, chiến trường trong tỉnh bị chia cắt. Ta bị mất đất, mất dân. Địa bàn đứng chân của các lực lượng vũ trang không vững chắc. Lực lượng chính trị bị hao mòn. Phần lớn bộ đội phải phân tán. Ba thứ quân trên địa bàn tỉnh mất thế hợp đồng hỗ trợ lẫn nhau. Lực lượng ta bị giảm sút nhiều chưa khôi phục và bổ sung kịp. Cả tỉnh Mỹ Tho, Gò Công và thành phố Mỹ Tho chỉ còn 33 xã, 120 ấp giải phóng với hơn 300.000 dân. Ở Gò Công lực lượng cách mạng ngày càng gặp rất nhiều khó khăn.

Ngày 6-6-1969, những đơn vị đầu tiên của Mỹ ở căn cứ Đồng Tâm về nước.

Tháng 6 năm 1969, Tỉnh ủy Mỹ Tho, Gò Công và Thành ủy Mỹ Tho tiếp thu chỉ thị của Trung ương Cục miền Nam nhằm chuyển phương châm, phương thức hoạt động cho phù hợp với tình hình và đề ra chủ trương: Cán bộ vận động lực lượng cách mạng quần chúng cùng bám trụ, phát triển phong trào du kích chiến tranh. Du kích cơ quan và bộ đội làm nòng cốt cho chi bộ và du kích xã, ấp xây dựng xã ấp chiến đấu, gài lựu đạn, đào hầm hố chông, bắn tỉa, kết hợp với phong trào đấu tranh chính trị, binh vận của quần chúng tại chỗ hình thành thế bám trụ để đánh địch, giữ thanh niên, giữ địa bàn. Bộ đội khu, tỉnh phân tán tập trung linh hoạt từng đại đội, trung đội. Khi cần diệt đồn bót, căn cứ địch thì tập trung, đánh xong thì phân tán cùng với du kích chống càn giữ lõm căn cứ, kiên quyết bám trụ. Tỉnh ủy Mỹ Tho chọn các xã vùng lộ 20 - huyện Cái Bè làm trọng điểm chống địch bình định.

Sau hai tháng, ta đã xây dựng được nhiều lõm căn cứ. Chi bộ, du kích, bộ đội, cơ quan bám trụ được một số xã, dần dần về sau ta phát triển thêm được nhiều lõm căn cứ ở khắp các vùng trong tỉnh, hình thành thế cài răng lược giữa ta và địch. Du kích và bộ đội bám được địa bàn chiến đấu chống địch. Ta và địch chiến đấu giằng co, quyết liệt giành giựt nhau từng tấc đất, từng người dân.

Ở vùng lộ 20 (huyện Cái Bè), trọng điểm chống bình định của tỉnh Mỹ Tho, nhân dân và lực lượng vũ trang dựa vào xã ấp chiến đấu với hệ thống công sự, hầm hố chông dày đặc, kết hợp với lựu đạn gài, bảng tử địa, du kích và bộ đội bám sát địch đi càn, bắn tỉa từng tên làm cho địch hoang mang lo sợ. Trong lúc lực lượng vũ trang đánh địch, hàng trăm quần chúng cùng gia đình binh sĩ liên tục kéo ra thị trấn Cái Bè, căn cứ xuất phát hành quân đấu tranh với bọn chỉ huy chống địch càn quét, đánh phá, đồng thời vận động binh lính, sĩ quan ngụy chống lệnh hành quân. Sau 3 tháng chống càn quét, lấn chiếm ở vùng lộ 20, ta đánh thiệt hại nặng 9 đại đội bảo an, địch không đóng được đồn bót. Vùng lộ 20 ta vẫn làm chủ. Sau đó, địch tăng cường thêm một tiểu đoàn của sư đoàn 7 đến yểm trợ mới đóng được 3 đồn: Đất Sét (xã Hậu Thành), Cà Dâm và đập Chánh Bản (xã Hậu Mỹ Nam).

Giữa lúc quân và dân miền Nam mở cuộc tiến công và nổi dậy đợt Thu năm 1969, ngày 2 tháng 9 năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần đã gây xúc động mạnh mẽ đối với toàn thể cán bộ, chiến sĩ và đồng bào tỉnh Mỹ Tho, Gò Công và thành phố Mỹ Tho. Ngay khi được tin Người mất, nhiều gia đình đồng bào trong vùng giải phóng, vùng tranh chấp và ngay cả vùng địch kiểm soát lập bàn thờ với bông hoa, nhang đèn để tỏ lòng thương tiếc. Sau khi có chỉ thị của Khu ủy, Tỉnh ủy và Thành ủy về tổ chức lễ tang và truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức ban lễ tang gồm đồng chí Bí thư và các ủy viên Thường vụ. Lễ truy điệu tổ chức tại xã Hội Cư. Trong lễ truy điệu này, cán bộ, đảng viên đã nghe bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hứa quyết tâm thực hiện theo Di chúc của Người. Quân dân tỉnh Mỹ Tho, Gò Công và thành phố Mỹ Tho để tang Người trong 7 ngày từ ngày 6 đến ngày 11 tháng 9 năm 1969. Các cơ quan đơn vị bộ đội, đoàn thể quần chúng trong tỉnh tổ chức học tập và làm theo Di chúc của Người, biến đau thương thành hành động cách mạng, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đến tháng 9 năm 1969, sư đoàn 9 Mỹ rút khỏi căn cứ Đồng Tâm bàn giao lại cho sư đoàn 7 ngụy, mặc dù địch đánh phá ác liệt nhưng tình hình đã chuyển biến ngày càng có lợi cho ta. Tuy nhiên những tháng cuối năm 1969, Mỹ-Thiệu càng đẩy mạnh việc thực hiện “Việt Nam hóa chiến tranh” ở Mỹ Tho một tỉnh có vị trí quan trọng ở phía Tây Nam Sài Gòn. Hoạt động của ngụy quân ngụy quyền đã gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng cách mạng.

Trước tình hình đó, nhằm khắc phục những khó khăn trước mắt và tiêu diệt thêm lực lượng của địch làm thay đổi cục diện chiến trường có lợi cho ta, thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 9 của Trung ương Cục miền Nam (7-1969), chấp hành sự chỉ đạo của Khu ủy Khu 8, phối hợp với chiến trường toàn miền, ngày 18 tháng 11 năm 1969 Tỉnh ủy Mỹ Tho mở cuộc tiến công và nổi dậy đợt Đông 1969.

Quân dân Mỹ Tho - Gò Công - thành phố Mỹ Tho phối hợp với các đơn vị vũ trang của Khu tiến công nhiều đơn vị quân ngụy đi càn quét lấn chiếm. Có nhiều đợt ta và địch phải giằng co quyết liệt gần một tháng mới giành thắng lợi. Quân và dân ở vùng Bắc huyện Cái Bè đến phía Tây lộ 12 huyện Cai Lậy đã đánh bại cuộc càn quét cấp trung đoàn do Tiểu khu Định Tường tổ chức, chỉ huy diễn ra từ 8 đến 24-12-1969, diệt và làm tan rã trên 1.500 tên. Trong 16 ngày chiến sự diễn ra, quần chúng ở 2 huyện Cái Bè, Cai Lậy đã liên tục đấu tranh đòi địch bồi thường thiệt hại do bom pháo gây ra. Qua nhiều ngày kiên trì đấu tranh, địch phải nhận bồi thường cho quần chúng 90 triệu đồng.

Ở tỉnh Gò Công, từ sau Tết Mậu Thân (1968) nhất là trong năm 1969, địch tập trung lực lượng đánh phá, bình định ác liệt làm cho lực lượng ta bị tiêu hao nặng. Cán bộ, bộ đội bị bắt và hy sinh, nhiều cơ sở cách mạng bị phá vỡ. Đến cuối năm 1969, địch đã chiếm và bình định hầu hết các xã ở tỉnh Gò Công, còn lại một số ít là vùng tranh chấp yếu. Ta chỉ còn một số lõm căn cứ như rừng ông Kim, Phú Thạnh Đông nhưng có lúc không bám được phải chạy sang tỉnh Bến Tre một thời gian. Ở huyện Hòa Đồng còn lõm căn cứ Tân Thới nhưng có lúc phải chạy sang xã Bình Ninh, An Thạnh Thủy, huyện Chợ Gạo. Địch tạm thời chiếm được đất, nắm được dân, bắt được lính, đôn phòng vệ dân sự lên bảo an, xây dựng và củng cố bộ máy kềm kẹp, ra sức vơ vét để phục vụ cho kế hoạch bình định.

Qua 1 năm chiến đấu gian khổ và đầy hy sinh, quân và dân Mỹ Tho, Gò Công, Thành phố Mỹ Tho mới chỉ ngăn được một phần hành động lấn chiếm giành dân của ngụy quân ngụy quyền. Nhìn chung trên phạm vi toàn địa bàn của 3 đơn vị, địch đã gây cho ta nhiều tổn thất về nhân vật lực, địa hình bị chia cắt; cán bộ chiến sĩ phải sống và chiến đấu trong điều kiện hết sức khó khăn và gian khổ.

Tháng 2 năm 1970, Bộ Tư lệnh Quân khu 8 tăng cường cho Mỹ Tho trung đoàn 3 và tiểu đoàn đặc công 269, tăng cường cho thành phố Mỹ Tho tiểu đoàn 267 để chuẩn bị cho đợt A, B, C mở lõm, chuyển vùng, giải phóng nông thôn. Lực lượng vũ trang được tăng cường góp phần củng cố lòng tin, động viên, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ và quần chúng. Chấp hành sự chỉ đạo của Khu ủy Khu 8, đêm 31 tháng 3 rạng 1 tháng 4 năm 1970 Tỉnh ủy Mỹ Tho, Gò Công và Thành ủy Mỹ Tho, mở đợt tiến công và nổi dậy đồng loạt.

Tuy nhiên, ta chỉ mở được 1-2 đợt, thu được một số thắng lợi ở vùng Châu Thành Bắc, Châu Thành Nam, vùng 20 tháng 7; đắp mô, phá hoại giao thông, chặn đánh địch trên lộ 4, các lộ sườn gây cho địch nhiều thiệt hại. Quần chúng vận động nhiều dân vệ, cảnh sát đồng tình che giấu thanh niên trốn lính và lính trốn tạo ra nhiều lõm chống bắt lính. Quân và dân Gò Công thọc sâu vào các vùng yếu, vùng ven thị xã, thị trấn, ven các đường giao thông liên tục tiến công địch, diệt bọn bình định, dân vệ ác ôn, phá lỏng bộ máy kềm kẹp và bọn phòng vệ dân sự, làm chuyển biến phong trào ở tuyến lộ 8 (xã Vĩnh Hựu), tuyến lộ 12 (xã Thạnh Nhựt), vùng ven biển Gò Công; đã phát động 8.500 quần chúng đấu tranh trực diện với địch, chống khủng bố bắn phá, rải chất độc hóa học, gom dân và phát động quần chúng bung ra đồng sản xuất.

Để đối phó lại cuộc tiến công của ta, địch tăng cường lực lượng đánh phá dài ngày vùng căn cứ cách mạng, đặc biệt là hành quân đêm, đánh biệt kích ở nhiều khu vực như rạch sông Ba Rài, xã Hội Cư và một số xã thuộc bắc huyện Cái Bè, mảng 4 huyện Cai Lậy, vùng Gò Lũy (huyện Châu Thành Bắc). Địch sử dụng bom pháo mật độ cao bắn cả trong vườn, ngoài đồng để tát dân. Ban đêm, địch cho trực thăng soi bắn dọc theo kinh rạch. Ban ngày, “cá nóc” quần đảo rà sát ngọn cây tìm kiếm cơ quan của ta để đánh phá, tiêu diệt bộ đội. Một số vùng như Hội Sơn, Xuân Sơn, ấp 3 xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy; xã Hội Cư huyện Cái Bè; kinh Cà Dâm, xã Mỹ Phước, huyện Châu Thành Bắc đa số nhân dân phải bung ra vùng tranh chấp tạm trú. Địch tiếp tục đẩy mạnh chương trình bình định nông thôn với hai kế hoạch nối tiếp nhau: bình định đặc biệt và bình định bổ túc. Địch đóng thêm đồn bót và tăng cường lực lượng quân sự. Đến cuối năm 1970, địch đóng thêm ở tỉnh Mỹ Tho 353 đồn tua, kể cả cũ và mới có 633 đồn tua. Ở tỉnh Gò Công có 157 đồn tua (cuối 1970).

Phong trào cách mạng của tỉnh Mỹ Tho, Gò Công, Thành phố Mỹ Tho tiếp tục chịu nhiều hy sinh, mất mát.


2. THỰC HIỆN CHIẾN DỊCH XUÂN HÈ NĂM 1972 (4-1972 - 27-1-1973).

Những tháng đầu năm 1972, ta và địch vẫn còn tiếp tục giằ ng co quyết liệt. Ở tỉnh Mỹ Tho, Gò Công, Thành phố Mỹ Tho quân số của ngụy tiếp tục tăng, hệ thống đồn bót tiếp tục được củng cố và đóng xen dày đặc, hệ thống chính quyền các cấp từ tỉnh, quận đến xã ấp được quân sự hóa thêm một bước.

Ngày 14 tháng 1 năm 1972, quán triệt chủ trương mở đợt tiến công chiến lược năm 1972 của Bộ Chính trị (6-1971), Nghị quyết hội nghị lần thứ 11 và Chỉ thị 13 của Trung ương Cục miền Nam, Nghị quyết của Khu ủy Khu 8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Mỹ Tho họp Hội nghị tại xã Long Trung, huyện Cai Lậy Nam. Tỉnh ủy chủ trương: nổi dậy và tiến công mạnh mẽ, liên tục đều khắp 3 vùng nhằm tiêu diệt, tiêu hao, làm tan rã thật nhiều sinh lực địch, phá vỡ thế bố trí mới của địch, giải phóng xã ấp, mở rộng vùng nông thôn, tạo ra thế và lực mới.

Tháng 1 năm 1972, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gò Công, quán triệt và đề ra nghị quyết thực hiện Chỉ thị 13-CT.71 của Trung ương Cục miền Nam và nghị quyết của Khu ủy Khu 8 về quyết tâm chiến lược năm 1972.

Tỉnh Mỹ Tho là một trọng điểm của Khu 8 trong cuộc tiến công và nổi dậy năm 1972. Vì vậy từ cuối năm 1971, Bộ chỉ huy tiền phương của Quân Khu 8 đã xuống chiến trường Mỹ Tho để trực tiếp chỉ đạo. Đầu năm 1972, Bộ chỉ huy tiền phương Quân khu chuyển sang xã Long Trung huyện Cai Lậy Nam. Căn cứ Tỉnh ủy Mỹ Tho từ xã Long Trung chuyển sang xã Long Tiên tiếp tục chỉ đạo chuẩn bị cho các cuộc tiến công và nổi dậy trong tỉnh.

Trước khi bắt đầu tham gia chiến dịch của toàn Khu, Mỹ Tho, Gò Công, Thành phố Mỹ Tho mở 2 đợt cao điểm (tháng 4 và tháng 5) tiến công địch. Kết quả trong 2 tháng, ta diệt 560 tên địch, bắt 350 tên, phá rã 2.500 phòng vệ dân sự, tước súng gần 50 toán phòng vệ xung kích, thu trên 300 súng các loại.; phá vỡ chiến dịch đốn cây phá địa hình, cào nhà gom dân tại mảng 3 và mảng 4 huyện Cai Lậy Bắc và chiến thuật hành quân đêm, buộc địch phải tập trung quân phòng thủ thành phố, thị trấn và lộ 4.

Cuối tháng 5 năm 1972, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Mỹ Tho mở cuộc hội nghị để kiểm điểm tình hình ta, địch qua 2 tháng tiến công và nổi dậy. Tỉnh ủy chủ trương: “giải phóng kinh Cũ, làm chủ kinh Nguyễn Tấn Thành”, quyết định lấy các xã của huyện Cai Lậy Bắc và một số xã vùng Tây kinh Nguyễn Tấn Thành làm mặt trận điểm và khu vực ven lộ 4 và lộ 12 làm mặt trận diện; điều 2 tiểu đoàn và các đại đội trực thuộc của tỉnh vào khu vực này.

Từ đêm 9 rạng ngày 10-6-1972 đến 10-9-1972, quân dân Mỹ Tho, Gò Công, Thành phố Mỹ tho phối hợp chặt chẽ với lực lượng chủ lực của miền, của Khu tiến hành 3 đợt tiến công và nổi dậy trên toàn địa bàn. Kết quả ta đã gây cho địch nhiều thiệt hại về sinh lực và phương tiện chiến tranh. Chỉ tính riêng tỉnh Mỹ Tho, ta giải phóng 19 xã, 126 ấp với hơn 164.000 dân, 30.000 dân trở về ruộng vườn cũ, giành quyền làm chủ 19 xã, 248 ấp với trên 150.000 dân. Mở rộng các vùng 20 tháng 7, mảng 3 huyện Cai Lậy Bắc và vùng Bắc huyện Cái Bè trên một diện tích 616 km2. Phong trào du kích chiến tranh phát triển mạnh mẽ hình thành vành đai vây lấn thành phố, thị trấn, uy hiếp giao thông. Công tác xây dựng phát triển Đảng và các ban ngành, đoàn thể được đẩy mạnh. Ta phát triển được 670 đảng viên. 2.650 hội viên nông hội, 2.400 hội viên phụ nữ, 1.050 hội viên thanh niên.

Thắng lợi của cuộc tiến công và nổi dậy năm 1972 của quân và dân tỉnh Mỹ Tho, Gò Công và thành phố Mỹ Tho là đòn quyết định làm thay đổi căn bản so sánh lực lượng giữa ta và địch trong tỉnh có lợi cho ta.

Đầu tháng 10 năm 1972 Tỉnh ủy Mỹ Tho, Gò Công và thành phố Mỹ Tho tiếp thu Chỉ thị 02 của Trung ương Cục miền Nam và Nghị quyết của Khu ủy Khu 8 về chuẩn bị tình hình khi có hiệp định Paris. Tỉnh ủy Mỹ Tho, Gò Công và thành phố Mỹ Tho chủ trương vừa chống địch tái lấn chiếm vừa chuẩn bị kế hoạch thời cơ và tổ chức học tập tình hình nhiệm vụ mới, quyết giành thắng lợi khi có giải pháp chính trị.

Thực hiện chủ trương của trên, các lực lượng vũ trang tập trung của Miền, của Khu 8 và của tỉnh phối hợp với du kích và lực lượng chính trị, binh vận tại chỗ, tiến công và nổi dậy đánh địch càn quét, bao vây bức rút, bức hàng đồn bót mở rộng địa bàn, cắm cờ trên tất cả các địa bàn xung yếu, sẵn sàng đánh địch tái lấn chiếm.

Thắng lợi của quân và dân tỉnh Mỹ Tho, Gò Công và thành phố Mỹ Tho trong thời kỳ 1969 - 1973 đã góp phần cùng cả nước buộc Mỹ ngụy phải ký hiệp định Paris. Thắng lợi đó tạo lòng tin và sức mạnh cho quân và dân ta củng cố lực lượng sẵn sàng đánh bại những âm mưu mới của địch

No comments:

Post a Comment