Search This Blog

Sunday, May 29, 2011

NHẬT BẢN : MỘT ĐẤT NƯỚC  ĐÁNG CHO CHÚNG TA KHÂM PHỤC . 

Đà TỪ LÂU , TÔI Đà NHẬN ĐỊNH NHẬT BẢN LÀ MỘT DÂN TỘC VĨ ĐẠI . LÝ DO : NĂM 1945 ĐẤT NƯỚC HỌ LÀ CHĨ MỘT ĐỐNG GẠCH VỤNG , MỘT SỐ LỚN PHỤ NỬ Đà PHẢI NGỦ VỚI LÍNH MỸ ĐỂ CÓ ĐƯỢC MIẾNG ĂN QUA NGÀY , NHIỀU NGƯỜI DÂN NẰM LA LIỆT Ở CÁC CÔNG VIÊN , HOẶC BÊN NGOÀI CÁC NHÀ GA TRONG LẠNH LẼO VÀ ĐÓI VÌ HỆ THỐNG PHÂN PHỐI LƯƠNG THỰC BỊ TAN Rà KHI CHIẾN TRANH KẾT THÚC ; LÚC ẤY CÁC NHÀ HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH CỦA NHẬT VÀ MỸ CÒN  NGHĨ RẰNG SẼ CÓ 1 NẠN ĐÓI KHỦNG KHIẾP SẼ XẢY RA TRONG MÙA ĐÔNG 1945 , V.V...(XIN XEM BÀI NƯỚC NHẬT ĐẦU HÀNG NĂM 1945 TRONG BLOG CỦA TÔI) .

MỘT CƯỜNG QUỐC KINH TẾ CỦA THẾ GIỚI Đã ĐI LÊN TỪ ĐÓI LẠNH VÀ NHỤC NHÃ CỦA MỘT ĐẤT NƯỚC THUA TRẬN . XIN XEM HÌNH , CHỤP LẠI TỪ BÁO LIFE XUẤT BẢN CÁCH ĐÂY 66 NĂM NÊN CHẤT LƯỢNG KO TỐT) .



NGƯỜI DÂN LỚP NẰM NGOÀI CÔNG VIÊN , LỚP NẰM BÊN NGOÀI CÁC GA XE XE LỬA (TRONG ĐÓ CÓ NHIỀU NGƯỜI GIÀ) TRONG ĐÓI LẠNH . BỘ MÁY CAI TRỊ CỦA MỸ LÚC ĐÓ DỰ ĐOÁN SẼ CÓ KHOẢNG TÁM TRIỆU NGƯỜI SẼ CHẾT ĐÓI VÀO MÙA ĐÔNG NĂM 1945 VÌ HỆ THỐNG CUNG CẤP LƯƠNG THỰC ĐẢ TAN RÃ KHI CHIẾN TRANH CHẤM DỨT TRONG KHI ĐÓ HÀNG TRĂM NGÀN BINH SĨ RẢ NGŨ KO CÓ MỘT ĐỒNG XU DÍNH TÚI , CÔNG CHỨC BỊ CHO THÔI VIỆC , ĐẪY HỌ VÀO HÀNG NGỦ CÁC NGƯỜI VÔ GIA CƯ , V.V... TÌNH HÌNH KINH TẾ LÚC ĐÓ RẤT THÊ THÃM . . .

BẠN CÓ THẤY CÂU TỰA ĐỀ CỦA TRANG BÁO NÀY KO ?! PHỤ NỬ THÌ ĐẦY RẪY NHƯNG TIỀN THÌ HIẾM ĐỐI VỚI BINH SĨ (MỸ) .

THẾ MÀ NĂM 1964 , NGHĨA LÀ 19 NĂM SAU , HỌ ĐÃ TỔ CHỨC HỘI CHỢ 
QUỐC TẾ TẠI OSAKA ĐỒNG THỜI KHÁNH THÀNH ĐƯỜNG XE ĐIỆN NHANH NHỨT THẾ GIỚI , ĐI TỪ OSAKA ĐẾN TOKYO . SAU NÀY HỌ TRỞ THÀNH CƯỜNG QUỐC KINH TẾ CHĨ SAU MỸ VỚI NHỮNG SẢN PHẨM CHẤT LƯỢNG CAO . HỌ CŨNG LÀ NƯỚC VIỆN TRỢ NHIỀU NHỨT THẾ GIỚI CHO CÁC NƯỚC KHÁC VỚI NGÂN SÁCH RẤT LỚN . VỀ QUẢN LÝ HÀNH CHÁNH HỌ RẤT XUẤT SẮC , CÔNG CHỨC VÀ CÃNH SÁT THỰC SỰ LÀ CÔNG BỘC CỦA DÂN ,  CHỨ KHÔNG PHẢI CHỈ TRÊN GIẤY NHƯ Ở VN ; NGƯỜI NÀO CÓ THÁI ĐỘ BẤT XỨNG VỚI DÂN SẺ BỊ ĐUỔI VIỆC . TÔI CHỈ BIẾT TẤT CẢ CÁC ĐIỀU NÀY QUA SÁCH VỞ CỦNG NHƯ QUA MẠNG ; HÔM NAY ĐƯỢC ĐỌC MỘT BÀI BÁO CỦA NHÀ VẬT LÝ HỌC NGUYỄN ĐÌNH ĐĂNG , THẤY ÔNG ĐÃ MÔ TẢ NHỬNG GÌ ĐÃ THẤY SAU 1 THỜI GIAN Ở NHẬT VÀ TRÙNG HỢP VỚI NHỬNG GÌ TÔI ĐÃ BIẾT ,  TÔI XIN ĐĂNG LẠI CHO CÁC BẠN CÙNG XEM -TÀI) .

Cuộc sống ở Nhật bản

Nguyễn Đình Đăng

Rào trước:
Viết bài này, tôi không hề có ý định nói về cuộc sống của người Việt Nam nói chung tại Nhật. Tôi chỉ nêu nhận xét chủ quan của riêng tôi đối với những điều tai nghe mắt thấy tác động trực tiếp đến cuộc sống của cá nhân và gia đình tôi tại Tokyo. Vì thế nếu các ý kiến của tôi khiến một số quý vị không đồng tình, mong các quý vị bỏ quá.

Trước khi tới xứ sở của hoa anh đào, tôi đã sống 18 năm thời niên thiếu của mình rồi sau này làm việc vài năm tại Việt Nam, 11 năm tại Liên xô cũ, một thời gian tại châu Âu, và thăm một số trường đại học tại Hoa kỳ. Cuộc sống ở nhiều nước đã giúp tôi kiểm chứng trong một chừng mực nhất định độ tin cậy của câu ngạn ngữ tôi thường nghe thời còn là sinh viên tại Nga:

Ba năm đi Pháp bằng một giáp đi Nga.
Năm năm ở Tây bằng một giây ở Nhật.

Theo tôi, cái “may mắn” lớn nhất của thần dân xứ Phù Tang có lẽ là nước Nhật đã thua trong Đại chiến thứ Hai. Về mặt tâm lý, thất bại đó khiến người Nhật cảm thấy nhục nhã, và quyết tâm đưa dân tộc mình vươn lên về mọi mặt để “rửa hận”. Thất bại đó cũng khiến dân tộc Nhật trở nên khiêm tốn, nhún nhường hơn trong giao tiếp vì có lẽ họ không có “chiến thắng oanh liệt” nào để họ có thể “vênh váo” với thế giới, và quá khứ thê thảm của Đệ Nhị Thế Chiến không để lại gì để họ có thể trở thành “ăn mày dĩ vãng” [1]. Về chính trị, thất bại đó khiến nước Nhật ngay sau chiến tranh “bị” đặt dưới sự kiểm soát cuả Hoa kỳ. Từ đó Nhật bản được Hoa kỳ giúp đỡ về mọi mặt và trở thành đồng minh chặt chẽ của Hoa kỳ. Bản Hiến pháp của Nhật sau Đại chiến thứ Hai là do người Mỹ viết năm 1946 [2]. Đó là một bản hiến pháp hết sức dân chủ. Người Nhật, từ ông thủ tướng (và gia đình, họ hàng ông ta) đến cậu học sinh tiểu học, tất cả đều rất tôn trọng pháp luật và thực hiện đúng Hiến pháp. Đó là điều mấu chốt đưa đến những ưu điểm dưới đây.

1)       Cuộc sống ở Nhật rất an toàn
Hồi còn đi học, tôi đọc sách thấy nói mô hình của xã hội giàu có thanh bình là thời vua Nghiêu vua Thuấn bên Tàu, tiền rơi ngoài đường không có ai thèm nhặt. Lúc đó tôi đã tự hỏi không biết bao giờ và ở đâu mới lại có được một xã hội như vậy. Nhật bản là câu trả lời khẳng định cho tôi. Ở đây nếu đi tàu mà bạn vô tình quên túi (trong đó có thể có tiền, máy ảnh, điện thoại di động v.v.) trên tàu, bạn chỉ cần báo cho nhân viên nhà ga. Sau đó họ sẽ gọi điện nhắn bạn đến nhận vì thông thường là họ sẽ tìm thấy đồ bạn để quên, do không có ai đụng đến nó cả. Một lần chúng tôi đi tàu ra sân bay. Sau khi chúng tôi lên tàu rồi, trong lúc chờ tàu khởi hành, bỗng một nhân viên nhà ga xuất hiện, tay dơ cao một cái túi và nói to đủ để tất cả hành khách đều nghe thấy: “Cái túi này của ai đây?”. Vợ tôi giật mình nhận ra đó chính là túi của mình để quên trên ghế phòng đợi tàu, vội chạy tới nhận, chỉ vài giây trước khi tàu chuyển bánh. Một lần khác, vợ tôi đi chợ và đánh rơi ví. Trong ví có tiền, giấy căn cước, chìa khóa nhà, v.v. Hai hôm sau, người gác cửa báo xuống nhận. Người nhặt được ví và mang đến trả tận nơi là một sinh viên. Con trai tôi có lần đi chơi cũng đánh rơi ví trong đó có thẻ học sinh và chìa khoá vào nhà. Mấy hôm sau, những thứ cháu đánh rơi đã được ai đó tìm thấy và gửi đến địa chỉ nhà tôi mà không đề địa chỉ người gửi. Năm 1999 chúng tôi tổ chức một hội thảo quốc tế tại viện nghiên cứu vật lý hóa học Nhật bản (gọi tắt là viện RIKEN) – nơi tôi làm việc từ 1995 tới nay. Một nhà vật lý Italia đại biểu hội nghị, trong khi đi chơi ở Tokyo, đã đánh rơi hộ chiếu của mình. Anh ta hết sức hốt hoảng vì chỉ sau hai ngày anh ta sẽ phải bay về nước. Chúng tôi nói anh cứ yên trí, gọi điện báo cho Đại sứ quán Italia, rồi ngồi chờ. Quả nhiên ngày hôm sau, Đại sứ quán Italia gọi điện nói có người đã nhặt được hộ chiếu của anh và gửi đến Đại sứ quán, anh chỉ việc đến nhận lại hộ chiếu. Anh ta thốt lên: “Thật là không thể tin được!”. Anh đã lên đường về nước đúng như lịch trình.

Mặc dù đôi khi đọc báo hay xem TV tôi cũng thấy tin nói về các vụ kẻ trộm đột nhập nhà ở, kẻ cướp cướp nhà băng, kẻ cắp móc túi người say rượu trên các chuyến tàu vắng khách về khuya, nhưng tôi chưa hề bị hoặc chứng kiến bất cứ một vụ ăn cắp vặt nào ở nơi công cộng tại Nhật, kể cả trên những chuyến tàu chật cứng người vào giờ đi làm sáng sớm. Mới đến Nhật người ta có thể lấy làm lạ là mọi người ra đường để đồ đạc của mình rất hớ hênh: ví tiền bỏ túi sau không cài, nhô cả ra ngoài, điện thoại di động nhét túi sau với cả một đám dây trang trí như mời gọi kẻ móc túi, vào tiệm ăn thì vứt túi lên ghế rồi bỏ đấy đi nhà vệ sinh, mà không hề sợ là túi sẽ “bốc hơi” lúc mình vắng mặt. Sau khi đã sống ở Nhật một thời gian, người ta hiểu rằng sẽ không có chuyện gì xảy ra với những “sơ ý” đó, vì xã hội ở đây rất an toàn. Hầu như không có ai động đến sở hữu của người khác. Đi chơi ban đêm mà bị trấn lột là chuyện khó xảy ra ở Tokyo.

Người Nhật không ồn ào, không nói chuyện oang oang hoặc gọi nhau í ới ngoài phố, và tất nhiên là tôn trọng luật đi đường. Nếu họ chẳng may đụng phải nhau, thì cả hai cùng cúi xuống xin lỗi nhau với một thái độ thực sự thành khẩn. Xe cộ rất nhiều nhưng hầu như không nghe thấy tiếng còi xe hơi. Nếu xe hơi hay xe máy quệt phải nhau thi họ cũng từ tốn giàn xếp hoặc chờ cảnh sát tới. Tôi có lần chứng kiến một xe hơi đi từ hẻm ra đường lớn, chẳng may đụng phải một thanh niên đang phóng xe máy phân khối lớn. May thay anh ta không việc gì, vì nhảy vọt được ra khỏi xe, như trong phim Holywood vậy. Chỉ có xe máy là bẹp. Người lái xe hơi chắc chắn là sai. Ngay cả khi đó, anh thanh niên, trông rất “ngầu”, cũng không hề to tiếng. Cả hai bên để nguyên hiện trường chờ cảnh sát tới giải quyết.

2)       Quan chức hành chính và cảnh sát thực sự là các đầy tớ của nhân dân
Điều 15 trong Hiến pháp của Nhật quy định “tất cả các quan chức và nhân viên hành chính là đầy tớ của toàn thể cộng đồng” [2].  Bộ máy hành chính của Nhật cũng khá cồng kềnh, và mọi việc giấy tờ không phải khi nào cũng nhanh. Tuy nhiên, những quan chức và nhân viên hành chính bao giờ cũng cố gắng giải quyết công việc một cách tốt nhất cho dân, với một thái độ rất lịch sự, niềm nở, kể cả khi “dân” là một cậu bé kém họ hai ba chục tuổi. Nếu không giải quyết được ngay ngày hôm đó, thì họ bao giờ cũng hẹn chính xác ngày có  kết quả, và không bao giờ sai hẹn. Họ hiểu rất rõ là họ làm việc để phục vụ nhân dân. Lương của họ là do dân đóng thuế mà có. Bất cứ người dân nào cũng có thể phát đơn kiện nếu họ phục vụ kém, và họ sẽ bị thải hồi ngay. Bất lịch sự, cửa quyền, sai hẹn, chứ chưa nói “ăn hối lộ”, là điều xa lạ đối với hệ thống hành chính cơ sở ở đây. Không bao giờ có hiện tượng nhân viên hành chính lại dám “lên lớp” cho người dân.

Con trai tôi có lần thốt lên: “Công an ở Nhật hiền thật, bố nhỉ!”. Đấy là sau cái lần cháu đi chơi đánh mất chìa khoá xe đạp. Vì lúc đó đã muộn, các hiệu chữa xe đạp đã nghỉ, nên cháu phải bê xe đến đồn cảnh sát gần đấy cầu cứu các chú cảnh sát. Họ phải dùng kìm cộng lực cắt khóa để cháu đạp xe về nhà. Nói chung, tôi chưa gặp trường hợp nào cảnh sát giao thông chặn người xét hỏi vô cớ giữa đường, huống hồ là hành hung người dân. Họ luôn từ tốn, lịch sự chỉ đường kỹ càng khi được hỏi, vì các đồn cảnh sát thông thường là nơi người đi đường vào hỏi đường. Họ có đầy đủ bản đồ chi tiết của khu vực họ. Chuyện cảnh sát tìm cách chặn xe để phạt tiền là chuyện không có ở Nhật. Người lái xe bị phạt nếu họ thật sự phạm luật, gây tai nạn, v.v. Cảnh sát Nhật không được phép dùng vũ khí nóng (như súng) để uy hiếp dân chúng. Trong những cuộc dẹp rối loạn trật tự công cộng, họ chỉ được dùng quá lắm là gậy bằng gỗ.

3)       Khách hàng thực sự là vua
Ở Nhật người bán hàng hết sức lễ phép và thực sự chiều chuộng khách hàng, cho dù khách hàng chỉ xem, không mua gì, hoặc giá trị của thứ mua chỉ vài trăm yên (vài USD). Không bao giờ người bán hàng nhận xét, bình phẩm về sự lựa chọn của khách hàng. Sau khi khách hàng mua, trả tiền xong, họ đều gói ghém hết sức cẩn thận trước khi trao hàng cho khách, sau đó chắp hai tay trước bụng cúi chào cung kính, mắt nhìn xuống. Nếu những người bán hàng đó đi mua hàng (đi chợ chẳng hạn), họ cũng là khách hàng như bạn và cũng được những người bán hàng khác phục vụ tử tế như vậy.

Ít lâu sau khi tôi vừa đến Nhật, một lần tôi ghé hiệu Yamano Music - một hiệu bán nhạc cụ nổi tiếng ở khu GinzaTokyo. Tại hiệu này có bán các đàn đại dương cầm Yamaha, Steinway, Bechstein giá hàng trăm ngàn US dollars. Nhưng thứ mà tôi mua chỉ là một miếng dạ đỏ để phủ phím đàn piano. Giá miếng dạ đó là 600 yen (khoảng 6 USD). Tôi gọi người bán hàng. Ông ta dạ ran chạy đến. Tôi lại không có tiền lẻ, nên tôi đưa ông ta 10,000 yen (khoảng 100 USD). Ông ta cúi người, hai tay đỡ lấy tờ tiền, nói: “Xin quý khách đợi cho một lát”, sau đó chạy nhanh vào phía trong. Một khoảnh khắc sau, ông ta quay lại, hai tay cầm một cái đĩa sứ nhỏ trên để miếng dạ đã được gói cẩn thận, hóa đơn thanh toán, tiền thừa. Rồi ông ta lại cung kính cúi mình hai tay nâng cái đĩa lên ngang mặt để tôi dễ lấy. Sau đó, ông ta lại cúi rạp xuống một lần nữa, miệng nói to: “Xin cảm tạ quý khách!”

No comments:

Post a Comment