Search This Blog

Friday, November 25, 2011

TRẬN CỔ THÀNH QUẢNG TRỊ NĂM 1972 , NHÌN TỪ HAI PHÍA , BÀI 4 


Những người lính vượt sông Thạch Hãn vào Thành cổ ngày ấy đều xác định cái chết cho mình một cách nhẹ nhàng nhất. Ai ra được thì đúng như bác Lê XuânTrường đã nói ở đâu đó: Quả là một sự vô lý.
--
Tôi (một cựu bộ đội) bổ sung thêm hai điều mắt thấy tai nghe:

1. Đầu tháng 7.1972, trước khi vào Nhan Biều, tiểu đội tôi đóng chừng 10 ngày ở một thôn phía Bắc thị xã QT quãng 4-5km, bờ Tây Thạch Hãn, bên trái là Ái Tử (xem lại thì có thể là thôn Ái Tử hay Hà Xá hoặc ở giữa). Hằng ngày bọn tôi đi vào Ái Tử tìm hiểu địa hình. Đây là lúc làm quen bom đạn, vì ngày nào cũng có pháo bắn vào hoặc gần làng.

Và lúc đó tôi biết các đợt chuyển quân vào Thành vì đây là điểm giao quân từ Bắc vào.

Mỗi đêm, một số lính dăm bảy chục người do cán bộ khung dẫn hành quân qua đêm, rạng sáng tới làng. Chập tối hôm sau, dăm cán bộ đại đội từ vùng thị xã ra nhận quân. Mỗi đơn vị nhận một số lính, thủ trưởng mới và lính mới không rõ mặt nhau, chỉ một danh sách trong tay. Vào đến nơi, mỗi hầm sẽ nhận một hai lính mới thay cho những người bị thương hay hy sinh một vài ngày trước. Có anh ra nhận quân nói, lính hôm trước đưa vào chưa kịp biết mặt, thuộc tên (vì ai ở hầm nấy) thì ngay trong đêm hay hôm sau đã thương vong rồi.

"Thằng Doanh vào sau trong đợt đổi quân và được phân về cùng hầm với tôi và thằng Phú."

Họ hầu hết là lính mới nhập ngũ, rất nhiều chưa qua đủ 3 tháng huấn luyện. Từ chỗ chưa biết bom đạn là gì họ đến thẳng một nơi nhiều bom đạn nhất trên đời.

2.
--
Thực ra thì mức độ ác liệt ở mọi nơi của thị xã cũng tương đối như nhau. Nhưng khi nói đến Quảng Trị 72 thì nhiều người nghĩ chỉ có Thành Cổ. Có một địa danh khác là Cổ Thành. Đây là một làng nằm phía bắc Thành Cổ. Theo tôi, chữ Thành Cổ bây giờ có nghĩa tượng trưng cho cả khu vực thị xã Quảng Trị trong mùa hè đỏ lửa 1972. Có thể rằng một vài điểm khác còn nóng hơn trong khu vực Thành cổ. Chẳng hạn như bến vượt ở Dinh Tỉnh Trưởng hay bến vượt ở Trường Phước, rồi Tri Bưu, khu Mỹ Đông, ty Cảnh Sát, Khu Mỹ Tây, Dinh Tỉnh Trưởng, Chợ Sãi, An Mô . . . (TTNL)
--

Đúng. Cần hiểu cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ thị xã Quảng Trị gồm những trận đánh xung quanh thành cổ và tại chính thành cổ trong những ngày cuối, có mức ác liệt đều rất cao.

Rất khó có ai có thể nhìn tổng thể để đánh giá mức độ khốc liệt ở các nơi. Hai đài quan sát của tiểu đội tôi quãng 15.7-16.9.1972 ở bờ sông Nhan Biều trông qua thị xã và đầu cầu QT có nhiệm vụ chính là hằng ngày đếm số bom, số đạn pháo, ... ở vùng quanh thị xã (cả làng Nhan Biều) và mỗi ngày vài lần điện về sư đoàn. Tôi cũng trực tiếp theo dõi nhiều trận đánh phía bên kia sông. Có thể nói thành cổ chịu rất nhiều bom đạn trong suốt những ngày tháng đó, ngày nào cũng rất nhiều bom pháo, dù các trận đánh ở đây chỉ dày đặc hơn ở giai đoạn cuối. Các trận đánh khác rất khốc liệt tại Tri Bưu, La Vang, ... diễn ra trong thời gian ngắn hơn.

Có thể nói những trận xung quanh thị xã rất ác liệt trong một vài ngày hay một hai tuần lễ, nhưng chịu bom đạn mật độ cao và dai dẳng thì chính là thị xã và thành cổ, và những trận đánh cuối cùng ở đây cũng rất ác liệt, vì chỉ còn mỗi nơi này.

Phan Nhật Nam, vốn là lính sư dù rồi làm phóng viên chiến trường của QLCH, trong cuốn "Mùa hè đỏ lửa" có mô tả (tại chỗ) các trận đánh ở phần đầu của mùa hè này. Có lẽ đó là những mô tả trực tiếp duy nhất có trong sách báo.

Tiếc là chưa có một cuốn sách nào về trận 1972 ở QT.

No comments:

Post a Comment