Search This Blog

Wednesday, January 18, 2017


Két bia trên xe hồng thập tự .(Trò chuyện với Lê Văn Khoa)



Lê Văn Khoa


Vào tháng 4.1972, Lê Văn Khoa là Dược sĩ Trung uý, Tiểu đoàn 3 Quân y, Sư đoàn 3 Bộ binh miền Nam, đồn trú tại Bộ Tư lịnh Sư đoàn, căn cứ Ái Tử, tỉnh Quảng Trị.

Anh có mặt tại Quảng Trị từ thời gian nào?
Tôi ra trường năm 71. Vào cuối năm, tháng 12, tôi ra trình diện đơn vị mới và cũng là đơn vị đầu tiên của tôi, Sư đoàn 3 Bộ binh mới vừa thành lập. [6] Lúc trẻ, vì tính phiêu lưu nên tôi chọn Sư đoàn giới tuyến “Tam sơn nhị hà” này, nhưng cũng không biết 3 quả núi là 3 quả núi nào với 2 con sông nào.

Tôi còn nhớ, chiếc C130 hay C119 chở tôi ra, sau khi thả một tốp xuống Phú Bài, chỉ có mình tôi còn lại là xuống phi trường Quảng Trị. Bước ra khỏi, một bên là núi, một bên là cát, tôi đứng nhìn nó bay vòng trở về rồi một thân xách túi ra hỏi người lính gác, lối nào đi đến đơn vị.

Lúc đó tình hình tại “tuyến địa đầu” [7] này ra sao?

Mấy tháng đầu yên ắng, nhiệm vụ tôi là trưởng phòng thí nghiệm, kiêm y khoa phòng ngừa và thanh tra thuốc men. Phòng thí nghiệm thì chỉ là 4 cái cọc chưa có mái, tôi cũng chẳng có chuyện gì làm. Các y sĩ thì ra Trung đoàn, theo Đại đội, [8] cả Sư đoàn chỉ có 2 dược sĩ, người kia lo việc phân phối thuốc còn tôi thì lẩn quẩn đi chơi.

Nhưng không có xe, ai rủ đi đâu thì tôi theo đó, có lần ra đến Gio Linh hay ra Đông Hà mua mấy cái lặt vặt, nút áo để may vá. Người ta bảo con gái Đông Hà mắt to và đẹp, tôi cũng chẳng biết. Một bận anh bạn bên Thiết giáp thích một cô bán quán cũng mắt to và đẹp đưa ra đến Cam Lộ, quán càfé “Da vàng” hay “Con gái”, chỉ có mấy đứa tôi lính ngồi uống nước, phố xá vắng ngắt [9] ...
Nguy hiểm ở đâu thì tôi không biết, ông Tiểu đoàn trưởng bảo đi thanh tra chỗ này chỗ kia, tôi đi thì bị trách tại sao lại nhận. Tôi trả lời là lệnh Tiểu đoàn trưởng, họ bảo chỗ đó dễ chết, ông muốn đi thì ông cứ đi sao lại dắt tôi theo. Nhưng nói chung là cũng chẳng có gì, các y sĩ theo đơn vị hành quân mới đụng trận gì đó, còn tôi ở hậu cứ.

Cuối tháng 3, Ái Tử liên miên ăn pháo, cả ngày ở dưới hầm, đến giờ ăn chạy lên ăn rồi vào hầm trở lại. Nói là ngày đêm liên tục nhưng họ cũng có giờ nghỉ!

Một y sĩ mới đến, vào trình diện Tiểu đoàn trưởng, trở ra thì ông này không sao nhưng người lính dẫn ông đến lại trúng pháo chết! Bộ Tư lịnh Sư đoàn bị áp lực dời về Cổ thành, Tiểu đoàn trưởng Quân y vào trong đó với ông Giai, các y sĩ thì ở các đơn vị, tôi và mấy sĩ quan và bộ phận hành chánh sang bên Bệnh viện Dân quân tỉnh Quảng Trị ở tạm. [10]
Lúc đó Quảng Trị cũng ăn pháo, phần lớn là trong Cổ thành, ngoài phố lác đác. Biệt động quân, Thuỷ quân Lục chiến ra tăng phái, sở dĩ tôi được biết là vì quân y hiện dịch đều biết nhau từ lúc ở trong trường. Tôi có gặp anh bạn y sĩ Biệt động quân đóng ở bên kia sông, BS Hương, tụi tôi ăn uống kham khổ nên anh hay rủ qua chỗ anh ăn chung, tuy là y sĩ nhưng anh cũng có người lính nấu nướng, làm cơm cho ăn với mấy cái đồ hộp.

Rồi có cả phản công, các đơn vị tăng phái đánh Việt cộng đuổi lên đến tận Cùa? Tôi nghe nói vậy nhưng cũng không biết Cùa ở đâu, được vài bữa chẳng hiểu sao lại lúp xúp chạy ngược về. [11]

Đêm hôm đó (28.4) tôi đang ngủ thì súng bắn mờ mịt khói, vào 3 giờ sáng, đủ loại lớn nhỏ, tiếng AK lách cách ròn rã, hình như có cả pháo tăng địch. Tôi lên phòng Giám đốc Bệnh viện thì ông này đã đi đâu mất, tối tôi còn thấy ông đốt nến làm việc mà giờ thì cây nến lạnh ngắt và bệnh viện vắng tanh!

Tôi và Thiếu úy Hiếu (sĩ quan hành chánh Tiểu đoàn 3 Quân y) ra ngoài bám theo một cái xe Hồng thập tự tải thương, loại Dodge 4x4, đu bên ngoài nhưng cái xe rất trơn, không có thành để bám, lại đêm sương xuống ướt mái, khi đến chỗ… cửa hàng bánh cuốn mái tôn, nó lên dốc gắt cua tôi văng xuống đường, nhìn sang thấy Hiếu bên kia xe cũng tuột!

Hai người rủ nhau chạy bộ vào Cổ thành, có vài xác trên đường lác đác nhưng vẫn còn vắng. Tôi định tìm đơn vị trưởng để trình diện nhưng đến cổng thành, lính kéo kẽm gai ngang không cho vào. Lúc đó súng tiếp tục bắn mờ mịt, khói súng đạn dầy đặc tưởng như là màn sương, trong thành chắc họ sợ Việt cộng đã vào trong thị xã, đặc công cải trang quần áo lính mình. [12]

Chúng tôi bèn rẽ mặt theo đoàn người, trong đó dân có, lính có, chạy về nam thì gặp một xe jeep quân y của Thuỷ quân Lục chiến, Bác sĩ… Trường tôi quen, cho tôi lên. Đến Mai Lĩnh thì Quốc lộ bị gài mìn, đoàn xe đoàn người tắc lại nghẽn, không tiến lên được.

Đoàn người chạy này phần lớn là dân hay là lính?
Đủ hết, dân chạy loạn, xe nhà binh, xe dân sự, đi bộ gồng gánh. Lính thì đủ các loại, lính Sư đoàn 3, Địa phương quân, Công binh… Thuỷ quân Lục chiến, có cả Thiết giáp. Phần lớn là Bộ binh (áo xanh). Biệt động quân, lúc đó tôi thấy còn đóng ở Mai Lĩnh.

Lính các sắc như anh nói di chuyển theo đơn vị, đội hình?
Không, lính và dân lẫn lộn, lính chạy với gia đình của họ, chạy một mình, từng tốp hỗn loạn, chạy chứ không phải hành quân khai thông quốc lộ gì hết.

Ở Mai Lĩnh vậy chưa có pháo vào đoàn người di tản?

Lúc đó trời mới sáng, chưa có pháo, ở phía trước bảo đánh mìn không lên được, tôi bỏ xe xuống tìm đường đất để men ra hướng biển. Nhưng mới vừa đi thì có tốp người bên cạnh trúng ngay mìn, chỉ có vài mét, xác văng lên rách tan!

Tôi và Hiếu lại lần về Quốc lộ. Được một lúc thì thiết giáp bên trên gỡ bãi mìn lại đi được tiếp.

Là có đơn vị thiết giáp hay công binh lên gỡ mìn?

Tôi không biết, hay là cá nhân tự động họ gỡ, khi tôi đi lên đến thì thấy có mấy tờ giấy trắng đánh dấu các bãi mìn cẩn thận, chẳng hiểu là ai làm.

Nắng lên, vào mùa đó trời rất oi ả khó chịu, tôi đi còn đeo theo ba lô với mấy bộ quần áo và mấy cuốn sách, áo giáp, nón sắt và cây M16, lưng lận khẩu Colt nặng chình chịch.

Nhiều người mệt cởi vất nón vất giáp, đến lúc đó thì bị pháo.

Một bên là núi, một bên là bãi cát trắng chạy dài ra đến biển, đoàn người bỏ đường chạy ra hướng này lại bị pháo quay về đầu kia, dạt qua dạt lại như là một ruộng lúc dưới gió, hết vòng tới lại vòng lui.

Như vậy là rất đông người?

Tôi không biết là bao nhiêu, như là lúa ở trên cát nghiêng ngả theo nhịp pháo. Bỗng có từ đâu mấy cái thiết giáp chạy lên mở chốt, xạ thủ nổ đại liên đùng đùng, một lúc khựng lại không tiến lên được!

Vậy là vẫn còn đơn vị có khả năng tác chiến?

Có lẽ là đơn vị nhỏ hay vài xe hành động cá nhân. Tôi nghĩ là nếu có chỉ huy, điều động thì đã mở được đường!

Tôi cũng theo đoàn người chạy qua chạy lại, về phía biển thì một lúc gặp đầm lầy không băng qua được. Hiếu trẻ khỏe hơn tôi, nên gắng kéo tôi đi. Nhưng mệt quá rồi, lả người, tôi trở về đường nhựa ngồi, sống chết ra sao thì không biết, ở đó mà nhìn người ta dạt tới dạt lui và pháo đuổi theo.

Thiệt hại, người chết có nhiều không?

Tôi không nhớ, lúc đó cũng không để ý hay quan sát chung quanh, chỉ nghĩ sao về gặp lại được gia đình! Hẳn là có chứ, người chết cháy, chết co quắp lăn lóc đây đó. Bãi cát thênh thang nên pháo nổ loãng đi, không phải như là âm thanh trong ciné, chỉ thấy từng bụi đất cát mỗi lần đột ngột đây đó bốc lên tung tóe.

Pháo này là pháo đuổi từ xa bắn theo hay ở gần bắn tới?

Tôi không biết pháo gì, có cả cán B40, đuôi bích kích [13] vung vãi trên đường. Việt cộng rất gần, có lúc thấy rõ bóng người chạy qua chạy lại. Người ta bắn, tôi cũng lấy M16 ra mà khỉa, bắn lấy vui túi bụi, đến độ hết cả đạn!

Lúc đó rất sợ bị bắt, tôi nhặt được mấy quả lựu đạn mini, nghĩ là nếu bị bắt chắc dám làm liều nổ lựu đạn tự sát. Thì gặp một cái xe Hồng loại Dodge đến, một tay bác sĩ ở Bệnh viện Quảng Ngãi hay Chu Lai ra tăng phái, BS Lưu, nhóm giải phẫu thì phải. Tôi lên xe anh này, thật tình chuyện sống qua nhưng giờ rất mơ hồ, hình như là đằng sau lính còn khoẻ có leo lên đẩy thương binh nhẹ xuống, dồn mấy người bị thương nặng lại một đống, xe theo đường len lên, hình như có cán qua xác chết gì đó.

BS Lưu nói, xe Hồng chắc tụi nó không bắn, mình liều chạy đại! Khúc đường phải băng qua đằng trước vắng ngắt, chỉ chừng 500 mét mà thăm thẳm, tôi lại ngồi phía ngoài cùng, phía núi, tức là phía đạn, mà họ đang nổ súng loại thượng liên, chứ không phải là đại liên nữa, loại thượng liên thứ bắn máy bay! Tôi nhớ lúc đó mình nghĩ bẩn, tay Hiếu này lên xe trước len vào ngồi trong, mình thì ngồi ngoài! Trước tôi có một cái xe Quân y khác, nhưng là xe jeep, tôi ngồi khom người, chẳng hiểu từ đâu thấy dưới chân lại có một két bia!

Chiếc jeep dẫn đầu không biết có phải vì bị bắn trúng hay bị bắn vào bánh, chạy đến đầu cầu bên này đâm vào giây kẽm gai giăng trên cầu, bị vướng vòng vèo đâm vào đồn Địa phương quân ở cạnh cầu, ngưng lại. Xe tôi vọt qua chỗ giây kẽm do họ mở, chạy sang bên kia cầu Mỹ Chánh.

Vậy còn số phận của két bia anh vừa mới nói?
Vào đến tuyến Thuỷ quân Lục chiến, trên xe mở luôn liền ra uống! Nhìn lại, chỉ thấy có một vết đạn trên thành, phía trên bánh, không hiểu là vì xe Hồng nên họ không bắn, hay chạy bất ngờ họ bắn không kịp, không trúng, hay họ chỉ cố tình muốn bắn vào lốp. Sau tôi còn một xe nữa qua được, đó là 3 chiếc xe duy nhất, sau đó chốt đóng lại mấy ngày liền không ai qua khỏi.

Như vậy là vào ngày 29.4, chuyện chết chóc lớn là sau đó khi Quốc lộ 1 tắc hoàn toàn. Khi khai thông trở lại, Phan Nhật Nam đi ngược về Bắc [14] kể xe ủi đất đùn xác người thành đống, mỗi mét trên 9 cây số là 2 mạng, anh không có chứng kiến?
Tôi về đến Huế, sau đó Sư đoàn tập trung lại ở Phú Lương, về sau tái phối trí ở núi Khánh Sơn, Đà Nẵng, tôi không có dịp trở lại Hải Lăng vào những ngày hay tháng ngay sau.

© 2004 talawas




[1]Tướng Giai là Tư lịnh đầu tiên của Sư đoàn 3 Tân Lập gồm 1 thành phần của Sư đoàn 1 và một số lớn quân phạm, đào binh, bất phục tòng, anh hùng hảo hán trong quân đội được mời ra miền địa đầu giới tuyến. Mùa hè 72, Sư đoàn 3 đã giữ tuyến sau 3 đợt tấn công và ông là người cuối cùng ra đi nhưng cuộc triệt thoái khỏi Quảng Trị đã chấm dứt binh nghiệp của tướng Giai. Ông là tướng lãnh hi hữu của miền Nam bị bỏ tù (cho đến tháng 4.1975) về tội bại trận. Theo phóng viên miền Bắc Trần Kim Thành, tướng Giai là người xếp hàng đầu tiên đi trình diện học tập sau 30.4. Trung tâm trình diện vừa mở cửa là ông bước vào phát biểu “Các ông là người giải phóng cho tôi ra khỏi tù”.
[2]Cuộc di tản Bộ Tư lịnh gọn của tướng Giai và 80 nhân viên, cố vấn Mỹ tại Cổ thành Quảng Trị bởi Phi đoàn 37 Trực thăng Cấp cứu (37th Aerospace Rescue & Recovery Squadron) tổng cộng bốc 131 người được coi vào lúc đó là cuộc cấp cứu bằng trực thăng lớn nhất của Mỹ.
[3]“La Rue sans Joie” hay “Street without Joy” do ký giả Bernard Fall đặt, chính xác là cho đoạn song song về phía biển trên tỉnh lộ 555.
[4]Ngày nay, có thể “nghĩ” ra rằng di chuyển lẫn với dân chúng là “chiến thuật tàng hình” của quân đội miền Nam, núp đạn sau lưng đồng bào gì đó. Trên thật tế, đây là điều tối kị trong quân sự vì không còn thể điều quân một khi có dân lẫn lộn vào hay ngay cả quân nhân của các đơn vị khác trà trộn. Lính lẫn với dân là lính “tan hàng” không thể sử dụng được, như cuộc triệt thoái này hay tất cả các cuộc triệt thoái cho thấy.
Tuy vậy, việc lẫn lộn không thể tránh khỏi, các đơn vị Sư đoàn 3 có nhiều người gốc địa phương, gia quyến sinh sống tại thôn xã, thị xã gần đó hay trong các trại gia binh tại hậu cứ. Không có cấp chỉ huy quân sự nào muốn quân lẫn vào với dân nhưng trong quân đội miền Nam cũng không có vị nào cản được thụôc cấp mang theo bố mẹ, anh chị em, vợ con, họ hàng, dâu rể, bồ bịch (hôn thê sắp cưới, tình nhân, vợ hai và ba...) khi triệt thoái.
Mặt khác, quân đội rút, dân chúng tự động rút theo làm rối loạn đội hình và cản trở lộ trình. Trường hợp Liên đoàn 1 Biệt Động quân triệt thoái từ Mai Lĩnh đi vòng ra hướng biển có khoảng 500 thường dân được phép đi theo sau, về đến Mỹ Chánh thiệt hại chỉ có vài phần trăm do những lần đụng trận lúc mở đường (Lê Huy Linh Vũ, “Ba ngày cuối cùng tại Bộ Tư lịnh của Tướng Vũ Văn Giai”).
[5] Lt Gen Ngô Quang Trưởng, “The Easter Offensive”.
[6]Sư đoàn 3 thành lập vào ngày 1.10.71.
[7]Ca từ: “Giờ này anh ở đâu, Trại Hoàng Hoa hay tuyến địa đầu?”
[8]Mỗi Sư đoàn Bộ binh có 1 Tiểu đoàn Quân y, Bộ Chỉ huy của Tiểu đoàn theo Bộ Tư lịnh Sư đoàn, các Đại đội Quân y theo các Trung đoàn, Trung đội Quân y theo các Tiểu đoàn…
[9]Ái Tử ở ngoại thành Quảng Trị về phía Bắc, đối diện với phi trường bên kia Quốc lộ. Đi Cam Lộ phải qua Đông Hà theo đường 9 về phía Tây, tức núi, chung quanh Cam Lộ chỉ có các căn cứ hoả lực đìu hiu.
[10]Sau đợt tấn công đầu và sau khi Trung đoàn 56 của Sư đoàn 3 tan hàng tại Căn cứ A4 (Camp Carroll) gần Cam Lộ, Trung đoàn trưởng đầu hàng tại mặt trận. Trung tá Phạm Văn Đính năm 1968 là Đại đội trưởng Hắc Báo đã treo lại cờ miền Nam trên kỳ đài Phú Vân Lâu khi tái chiếm thành phố Huế.
[11]Sau đợt tấn công thứ nhì (9.4) của miền Bắc, đây là giai đoạn phản công của miền Nam với chiến dịch mệnh danh là Quang Trung 729. Miền Bắc tấn công gọi là chiến dịch Nguyễn Huệ, miền Nam phản công gọi là hành quân Quang Trung, dĩ nhiên cả 2 đằng, trong chuyện này Bắc Bình Vương đều hoàn toàn vô can.
[12]Đây là đợt tấn công lần thứ 4. Đêm 28.4 bộ đội đặc công vượt qua sông Thạch Hãn và phá một cây cầu nhưng bị đẩy lui trở lại. Đến 1.5 Quảng Trị mới thất thủ thật sự nhưng trong đêm 28 ngay tại Bộ Tư lịnh của tướng Giai cũng không rõ tình hình, chiến xa miền Nam rút về bị tưởng lầm là chiến xa miền Bắc đến (Lê Huy Linh Vũ).
[13]Tầm xa của bích kích 60, 82 ly là 2 và 3 cây số, của tên lửa B40 là vài trăm thước trở lại. Đạn pháo bích kích phần đầu là chất nổ công phá, phần đuôi là chất nổ lực đẩy. Tên lửa B40, B41 cũng tương tự hai phần. Khi khai hỏa, cả 2 phần rời nòng và tách ra khi đến đích. Hiện diện của cán và đuôi trên đường có nghĩa là các vũ khí này đã được sử dụng (tuy phần công phá đã…tan tành không để lại dấu vết), tức là xạ thủ không xa mục tiêu quá 2,3 cây số hay vài trăm thước, ngược lại với pháo 130 ly chẳng hạn có tầm xa 20 kilômét, có thể vô tình và mù mờ (tuy theo thông lệ, ắt phải được tiền sát viên ở gần mục tiêu quan sát và dẫn dắt).
[14]Cuối tháng 6? Phan Nhật Nam, “Mùa Hè Đỏ Lủa”. Quảng Trị được/bị miền Nam tái chiếm lại hoàn toàn vào ngày 16.9.1972.

Friday, January 13, 2017

VĂN CÔNG CỘNG SẢN NHƯ KIM CHI .

CHỤP TRƯỚC KHI XUẤT CẢNH ĐI MỸ , TẠI SỞ NGOẠI VỤ .