Nhức nhối nạn xâm hại trẻ em
03/04/2013 03:10Ngày càng nhiều trường hợp trẻ gái bị chính những người ruột thịt hoặc quen biết xâm hại tình dục, dẫn đến những chấn thương tinh thần không gì bù đắp nổi. Trong khi đó những người trong cuộc lại thường né tránh, tìm cách ém nhẹm sự việc.
“Nhớ giữ kín, xấu hổ lắm !”Chúng tôi gặp bé M. khi em ngồi xem đám bạn chơi keo trong khoảnh sân của một mái ấm tại Q.7, TP.HCM. Trò chơi đang đến lúc cao trào, mấy đứa bạn hò hét rượt nhau um sùm nhưng M. cũng không mấy hưởng ứng. Gương mặt cô bé xinh xắn, ngây thơ và đượm buồn. Bước vào tuổi 13, M. đã ra dáng một thiếu nữ.
Cô bé M. (tỉnh Kiên Giang), nạn nhân của vụ cha hiếp dâm con, được đưa lên chăm sóc tại một mái ấm ở TP.HCM - Ảnh: Như Lịch |
|
Một vụ hiếp dâm trẻ em khác xảy ra gần đây tại một quận vùng ven TP.HCM cũng gây chấn động không kém. Một bé gái từ lúc lên 10 tuổi ở trọ chung với mẹ và cha dượng, sau đó bị chính cha dượng dụ dỗ xâm hại tình dục. Điều đáng nói, trong vụ việc này, có sự vô tình “tiếp tay” của bà mẹ khi để con gái mới lớn ngủ chung với vợ chồng bà trên chiếc nệm duy nhất ở phòng trọ, nhưng bà lại thường xuyên đi làm vắng nhà và cũng vô tâm không để ý đến sự phát triển cơ thể, tâm sinh lý con mình. Mãi đến khi cô bé về nhà nội chơi, người nhà nhận thấy điều khác lạ, đưa em đi khám tại Bệnh viện Từ Dũ, thì không tin nổi trước sự thật cay đắng: đứa bé hơn 10 tuổi đã có thai 29 tuần! Đầu năm 2013, cô bé sinh mổ một bé trai. Còn nghi phạm đã bị bắt giam để phục vụ công tác điều tra.
Độ tuổi trẻ bị xâm hại ngày càng nhỏ
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Lê Thị Thu, nguyên Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, gia đình và trẻ em, hiện là Phó chủ tịch - Trưởng đại diện phía nam Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, nhận xét: “Tình trạng xâm hại trẻ em, trong đó có xâm hại tình dục đang nổi lên trên phạm vi rất rộng, không chỉ ở TP.HCM mà trên cả nước. Vấn đề này rất cần lên tiếng báo động để bảo vệ cho trẻ”. Theo bà Thu, 10 năm về trước, trẻ bị xâm hại tình dục thường trong độ tuổi 12-13. Nhưng những năm về sau, nạn nhân ngày càng nhỏ tuổi hơn. Thậm chí, có những trường hợp các bé mới 3 tuổi, cá biệt có em chỉ ngoài 20 tháng tuổi. “Gia đình thường mất cảnh giác với những người thân. Trong khi đó, đạo đức xã hội suy đồi, xuống cấp đáng báo động. Ông hiếp cháu, cha hiếp con, anh hiếp em… trước đây hiếm nhưng bây giờ đều có xảy ra”, bà Lê Thị Thu nhấn mạnh.
Trên thực tế, có nhiều người né tránh vấn đề hiếp dâm trẻ em, đặc biệt khi thủ phạm là người thân của nạn nhân. Gần đây, Mái ấm Hoa Hồng Nhỏ (TP.HCM) - nơi nương náu của nhiều trẻ bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại - đã phối hợp một số đơn vị tổ chức một hội thảo lấy ý kiến triển khai nội dung phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. Tại hội thảo, có ý kiến lo ngại rằng, nếu đề cập người cha xâm hại con gái mình sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh tốt đẹp vốn có của người cha. Cũng theo ý kiến này, số vụ trẻ bị cha hiếp dâm rất ít, không đáng đề cập. Bà Nguyễn Kim Thiện, Chủ nhiệm Mái ấm Hoa Hồng Nhỏ, phản biện: “Cho dù chỉ có một trẻ bị xâm hại thì đó cũng là một số phận, một cuộc đời đau khổ, chúng ta không thể bỏ mặc. Vả lại, không có thống kê, sao biết là ít hay nhiều?”.
Theo bà Phan Thanh Minh, nguyên Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), đã có rất nhiều tấm gương tuyệt vời về hình ảnh người cha, người đàn ông trong gia đình. Nhưng bên cạnh đó, có một số người cha/anh/ông… phải bị lên án mạnh mẽ, phải chịu hình phạt thích đáng do những hành vi xâm hại với chính con/em/cháu của họ. Bà Thanh Minh lưu ý: “Nếu chúng ta dung túng, đánh đồng thì sẽ không biết người cha nào tốt, người cha nào không tốt. Đã có những trường hợp sau khi xâm hại con mình, người cha được người mẹ dẫn đi trốn. Nhưng sau đó, chính nạn nhân “tức nước vỡ bờ” đã tố cáo và chỉ ra nơi trốn của thủ phạm”.
Chủ nhiệm Hội Bảo trợ trẻ em TP.HCM, bà Lương Thị Thuận nhìn nhận: “Đúng là có những ý kiến cho rằng vấn đề xâm hại tình dục trẻ em nhạy cảm. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta bỏ mặc làm ngơ, ngán ngại hay che đậy để trẻ em tiếp tục bị xâm hại. Tôi thấy có những vụ phường, xã né tránh, xử lý nội bộ là chính. Do đó, chúng ta vẫn phải tiếp tục lên tiếng đấu tranh”.
Không nên ém nhẹm
Khi xảy ra vụ việc hiếp dâm trẻ em, cho dù thủ phạm có mối quan hệ ruột rà với nạn nhân đi chăng nữa thì gia đình hoàn toàn không nên ém nhẹm. Bởi nếu bao che, dung túng, thủ phạm thấy những thành viên khác trong gia đình không bảo vệ được nạn nhân, không đứng ra tố cáo thì họ tiếp tục lấn sâu vào con đường vi phạm pháp luật. Vì vậy, có những đứa trẻ không chỉ bị xâm hại một lần mà bị nhiều lần. Thậm chí, thủ phạm không chỉ xâm hại một đứa trẻ mà còn tiếp tục thực hiện hành vi đồi bại với những nạn nhân khác.
Bà Phan Thanh Minh
(nguyên Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM)
(nguyên Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM)
No comments:
Post a Comment