Search This Blog

Thursday, December 1, 2011

Hải quân thiếu tá Lê Anh Tuấn và căn cứ Tuyên Nhơn

Tác giả/Nhân vật: Phan Lạc Tiếp |09-08-2010| 67 lần xem | |
Kể từ giữa năm 1974, người lính Mỹ đã là một hìh ảnh xa mờ trên chiến trường Việt Nam. Riêng Hải Quân Việt Nam (HQVN), như hoàn cảnh chung của quân đội, sự thiếu hụt về tiếp liệu, cơ phận thay thế là lẽ đưạng nhiên, nhưng bờ biển Việt Nam vẫn được các chiến hạm, chiến đĩnh ngày đêm đan kín. Việc tiếp tế của Hà Nội cho Cộng Sản miền Nam chỉ còn trông vào đường bộ trên hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh. Con đường huyết mạch của cộng sản chạy dọc theo mé Tây của dãy Trường Sơn, nằm trên đất Lào, vào sâu tận biên giới Miên-Việt. Từ đó, từ Mỏ Vẹt, và dọc theo biên giới Việt Miên, nhất là xuôi theo 2 con sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây thâm nhập qua các sông lạch chằng chịt vào đồng bằng Cửu Long.Hai con sông Vàm Cỏ chạy xuôi theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, ở ngay phía Tây Nam Saigon. Một giải đất trù phú trong vòng tay 2 con sông ấy là các điểm chiến lược có ảnh hưởng đến sự an nguy của Saigon: Quốc Lộ 4, cầu Bến Lức, cầu Long An, nhất là các con kinh song-song nhau theo hướng Đông-Tây, là mạch máu nối liền với sông Tiền, sông Hậu. Một con kinh đã đi vào lịch sử của cuộc chiến Việt Nam, ít nhất là ở giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến: kinh Đồng Tiến. Kinh Đồng Tiến, bít đầu từ ngã ba chợ Tuyên Nhơn, ở hữu ngạn sông Vàm Cỏ Tây. Trước đây, Quận Tuyên Nhơn đóng tại ngã ba này. Sau với áp lực quá mạnh của Việt Cộng, Quận Tuyên Nhơn, Chi Khu Tuyên Nhơn và cả đơn vị Pháo Binh 105 ly cùng di chuyển vào nằm sát bên cạnh Căn Cứ Hải Quân Tuyên Nhơn.
Căn cứ Hải Quân Tuyên Nhơn, nằm ở bờ Nam kinh Đồng Tiến, cách ngã ba chợ Tuyên Nhơn độ 3 cây số. Trước mặt là bờ kinh, làm bãi ủi cho các chiến đĩnh. Mặt kinh rộng độ 100 thước. Bên kia bờ là một bức tường đất cao, trên đó một hàng rào sát, kết lại bằng các mặt lưới chống đạn B-40. Ngoài hàng rào là la-liệt những ổ mìn do Đội Tác Chiến Điện Tử thiết trí. Ở từ hàng rào này chạy suốt về hướng Bắc là một rừng cây đước âm u, nơi xuất phát của các cánh quân Cộng Sản từ biên giới Miên tiến về, với chằng chịt những con lạch nhỏ. Tại bãi mìn này là nơi mà các cán binh Cộng Sản lần lượt bỏ xác lại không thể nào đếm xuể. 
Ngoài các công việc nguy hiểm như hành quân, truy lùng, và tiêu diệt quân Cộng Sản, những người lính Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa còn thực hiện nhiều công tác dân-sự vụ để giúp đỡ và duy trì nếp sống cho những dân lành sinh sống quanh vùng. Hình chụp một binh sĩ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa thuộc lực lượng Thủy Bộ đang cùng một người bạn cố-vấn Mỹ thăm viếng và tiếp tếp một số dân làng sống dọc theo bờ sông Bassac (hình ảnh: special collection).
Căn cứ Tuyên Nhơn, chạy dọc theo mé kinh, bờ Nam, dài độ 200 thước, rộng không quá 100 thước. Phía mặt và phía sau căn cứ cũng dầy đặc một băi mìn. Sát ngang hàng rào, phía tay trái là sân đáp trực thăng, và sau đó Quận Đường Tuyên Nhơn. Nơi đồn trú của Liên Đoàn Đặc Nhiệm 214-1, gồm Giang Đoàn 43 Ngăn Chận và Giang Đoàn 64 Tuần Thám. Đây là cái gai khó nuốt của Cộng Sản, là trở ngại chết người trên con đường huyết mạch của địch.
Vào thời gian cuối của cuộc chiến, lực lượng mạnh mẽ của Việt Cộng tại vùng này là Đoàn 232, có nhiệm vụ san phẳng vùng này, cắt đứt Quốc Lộ 4, để làm bàn đạp đưa quân và đồ tiếp liệu tư biên giới Vệt-Miên về Vùng 4 Chiến Thuật. Chúng đã cố sức nhiều lần muốn san phẳng Căn Cứ Tuyên Nhơn, nhưng, dù rất nhiều lần tấn công tàn bạo, Căn Cứ Hải Quân Tuyên Nhơn vẫn còn đó. Sau đây là những trận đánh tiêu biểu trong thời gian ấy.
NHỮNG TRẬN THƯ HÙNG ÁC LIỆT
Đêm 6 tháng 12 năm 1974, một trung đoàn Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) đã tràn ngập khu này, san phẳng các đồn bót, chiếm chợ Tuyên Nhơn. Chúng dùng hỏa tiển 122 ly pháo như mưa vào Căn Cứ Hải Quân Tuyên Nhơn trước khi cho bộ binh tấn công. Dưới cơn mưa pháo, các mái nhà trong căn cứ đều bay hết, nhưng Căn Cứ Tuyên Nhơn vẫn đứng vững. Mọi quân nhân và gia đ́nh binh sĩ được ở dưới hầm. Chi Khu Tuyên Nhơn, nằm sát căn cứ cũng vẫn còn đó. Xác địch nằm la liệt bên hàng rào đơn vị.
Đêm hôm sau, 7 tháng 12 năm 1974, Việt Cộng lại tấn công tàn bạo hơn. Căn cứ Hải Quân và Chi Khu Tuyên Nhơn vẫn chống trả mãnh liệt. Địch lại phải rút, bỏ lại 12 xác chưa kịp đem đi. Để giải tỏa áp lực, Sư Đoàn 9 Bộ Binh mở cuộc hành quân chận đường tiến quân của địch. Ngày 11 tháng 12 năm 1974, bộ binh được trực thăng vận đến. Một đại đội Trinh Sát, khi sắp sửa đáp xuống sân bay, chiếc Chinook bị bắn rơi bằng hỏa tiển SA-7. Chiếc trực thăng bốc cháy, và hầu như rất ít người sống sót. Chiếc trực thăng rơi xuống như một khối lửa trước sự chứng kiến của toàn thể thủy thủ đoàn trên các chiến đĩnh nằm tản mát trên mặt kinh. Sau trận thư hùng này, mặt trận Tuyên Nhơn có phần lắng dịu. Sự lắng dịu của đợi chờ, và đón nhận những trận thư hùng khác ác liệt hơn.
Ngày đó cũng không xa. Đó là ngày 26 tháng 3 năm 1975, một cuộc tấn công quy mô hạn, tàn bạo hơn và cũng liều lĩnh hơn đã được diễn ra tại vòng rào Căn Cứ Hải Quân Tuyên Nhơn.
Như một định mệnh khắc nghiệt, một thử thách lạ lùng, trong các đụng độ trên, cũng như cuộc thư hùng ác liệt hôm 26 tháng 3 năm 1975, Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn Đặc Nhiệm 214-1, Hải Quân Thiếu Tá Đoàn Quang Vũ hoặc đi hội, hoặc đi phép, cả căn cứ gồm 2 Giang Đoàn 43 Ngăn Chận và 64 Tuần Thám, chỉ có Hải Quân Thiếu Tá Lê Anh Tuấn là sĩ quan thâm niên hiện diện. Chính Thiếu Tá Tuấn đã lần lượt phải gồng mình chống lại các cuộc tấn công này. Cuộc thư hùng thật khốc liệt. Trận địa, sau một đêm tốc chiến, xác địch ngổn ngang, chồng lớp. Sau trận này, Tuấn có mặt tại Saigon, và sau đây là cuộc đụng độ ác liệt được viết lại theo lời kể cuả “Người Hùng Tuyên Nhơn,” như sau:
Sáng hôm sau 30 tháng 4 năm 1975 căn cứ Tuyên Nhơn vẫn như thường. Quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa vẫn phất phới trên cột cờ giữa sân đơn vị. Tất cả quân nhân các cấp toàn căn cứ và thân nhân kể cả đàn bà và trẻ nhỏ độ 250 người, các chiến đĩnh còn hoạt động được của cả 2 Giang Đoàn 64 Tuần Thám và Giang Đoàn 43 Ngăn Chận là 23 chiếc. Mọi sửa soạn để ra đi rất bình tĩnh, chu đáo. Vì thế, lúc gần trưa 30 tháng 4 năm 1975, khi Đại Tướng Dương Văn Minh, TổngThống Việt Nam Cộng Hòa tuyên bố: “Tôi yêu cầu anh em chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa hãy bình tĩnh ngưng nổ súng và ở đâu ở đó.”, thì căn cứ Tuyên Nhơn đã sắp sửa hoàn tất để lên đường. Tuân theo chỉ thị nói trên, tất cả các chiến đĩnh của căn cứ đều cắm một mảnh vải trắng trên cần ăng ten, nhưng Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hòa vẫn bay phất phới ở sau lái tàu.
Mọi người xuống tàu vào lúc 5 giờ chiều. Trên bờ lính bộ binh, ở ngoài hàng rào đơn vị đứng đầy. Họ ngơ ngác, cổi áo, buông súng, nhìn theo. Trong đám người ấy cũng có các cán binh cộng sản đội nón cối…. Đoàn tàu đi rất chậm. Chiếc HQ 7773 do trung sĩ vận chuyển Nguyễn Văn Lực, đi sau cùng. Chỉ độ nửa giờ đoàn tàu đã ra tới ngă ba kinh Đồng Tiến và sông Vàm Cỏ Tây, rẽ mặt, xuôi theo con nước, đi về phía hạ gịang. Theo anh Lực nói lại: “Tàu tiến thận trọng, lệnh ra là không được khai hỏa, nhưng phải sẵn sàng. Mà, lạ lùm, trước đây ở miệt này, khi đi tuần chỉ thấy bờ sông tối om. Sao mà hôm nay ở hai bên bờ, nhất là bên phía mặt, có nghĩa là vùng đất phía Nam căn cứ Tuyên Nhơn, đèn đóm ở đâu mà trùng điệp như sao xa.” Vẫn theo lời anh Lực kể: “Ông Tuấn dặn rất kỹ cố rời căn cứ, nếu không đến Bến Lức được thì ra biển. Trên các chiến đĩnh đồ ăn đem đủ cho 2 đến 3 tuần.”
Bỗng trên hệ thống âm thoại chỉ huy, có tiếng nói của Việt Cộng xen vào rất rành rẽ: “Các anh hãy buông súng xuống, lần lượt từng chiếc một ủi bãi vào bờ bên trái.” Đoàn tàu khựng lại một chút và được lệnh cứ tiến. Tiếng nói của địch rạ hạn: “Các anh hãy nghe lệnh của Quân Đội Giải Phóng, buông súng và ủi bãi, từng chiếc một.”
Đoàn tàu cứ đi. Rồi một trái đạn bùng lên, xanh lè ở phía trước đoàn tàu, và tôi nghe trên máy, (lời anh Lực), số 1 của 43 đã chết.” Đoàn tàu như không còn linh hồn nữa, chùng lại. Tiếng lệnh của địch lại vang lên. Tàu tôi, chiếc 7773, đi sau chót, sát bờ bên phải, thấy xe tăng Việt Cộng đen ngòm lội ở phía sau tàu, đang hướng đại bác vào tàu mình. Thế là đoàn tàu lần lượt ghé mũi vào bờ bên trái con sông Vàm Cỏ Tây, dưới ánh đèn pin ra lệnh của địch. Lúc ấy, lúc ông Tuấn tự tử chết bằng súng Colt, vào khoảng 12 giờ đêm ngày 30 tháng 4/1975. Ông Tuấn tự tử ý ông không muốn đầu hàng địch, mà dù có hàng địch dễ gì chúng tha mạng cho ông. Còn có 3 người nữa chết vì bị đạn địch bắn ra.
Xác ông Tuấn, theo anh em kể lại, vẫn lời anh Lực, được cuốn trong cuốn drap trắng, và tẩm liệm đêm hôm ấy, vào khoảng 3-4 giờ sáng. Người ở gần ông Tuấn, lo lắng cho ông là anh Uy, Trung Sĩ Vận Chuyển Uy.
Sau này, gia đình anh Tuấn đã từ Mỹ về đến bờ sông Vàm Cỏ Tây tẩm mộ anh Tuấn, thấy ngôi mộ đã được dân chúng tự động xây cất rất to, đẹp. Đào lên giấy tờ bọc plastic vẫn còn nguyên. Hài cốt anh đã được hỏa thiêu và đem qua Mỹ. Gia đình Hải Quân đã làm lễ tiếp đón và truy điệu rất trang nghiêm. Nhiều bạn bè, đại diện các đoàn thể đến nghiêng mình trước di hài và di ảnh của Một Kẻ Anh Hùng Ðã Chết Không Hàng Giặc.
NHỮNG NGÀY TRONG TAY GIẶC
Anh Nguyễn Văn Lực, Trung Sĩ Vận Chuyển, cựu “Bố Kép” của Giang Đoàn 64 Tuần Thám kể lại:
Lên bờ thì các sĩ quan mình chúng đem đi đâu riêng biệt. Còn tụi tôi, đâu ở đó, vẫn ở dưới tàu. Súng ống, đạn dược vẫn còn nguyên, lúc đầu cũng sợ, sau quen dần. Các nhân viên khác thì chúng cấp giấy cho về nhà, ngoại trừ nhân viên cơ khí và thuyền trưởng, chúng giữ lại. Nhưng các anh em khác, nhà gần, ở Saigon, hay đâu đó ở Miền Nam lần lượt trốn về. Nhà tôi tận Đà Nẵng xa quá, không dám trốn. Tàu tôi, (vẫn lời anh Lực) chúng cho 2 người xuống ở cùng, đem theo súng ống. Một anh là Thượng Sĩ Điều, đặc công bờ, gốc Nghệ An. Anh Điều nói, đại đội tôi từ Bắc vào, giờ chỉ còn trên 10 đứa.
Anh Điều còn nói: “Cách 5 hôm trước khi các anh buông súng, tôi có theo dõi tàu anh, biết anh là “Bố Kép” của tàu. Tôi nhắm B-40 bắn, chưa bóp cò thì các anh đã phản pháo, cành cây trước mặt tôi gãy, chứ nếu chậm chút xíu thì tàu anh đã tiêu!”
Anh Uẩn, Chuẩn Úy, đặc công thủy nói: “Chúng tôi được huấn luyện vào Nam để cướp tàu Mỹ.” Vẫn lời anh Lực kể: “Tôi phải ở lại với bọn chúng gần 3 tháng, phải lái tàu cho tụi nó đi đây đi đó, có lúc ghé chợ Tuyên Nhơn, ngang ngã ba vào căn cứ. Tàu ghé chợ, gặp mấy người bán hàng quen họ nói: “Ủa, chớ anh “Bố Kép” qua bên này hồi nào. Thì mình chỉ cười trừ cho qua chứ nói sao.”
“Bố Kép” tên gọi quen thuộc, vừa thân tình, vừa có chút uy lực của một vị thuyền trưởng chỉ huy một chiến đĩnh của mình trong lửa đạn. Ai được làm thuyền trưởng là một danh dự, thường đã phải trả bằng những gian lao, cực khổ, nhiều khi là máu của chính mình. Trước các thuyền trưởng của Mỹ, được họ gọi là “Bố Kép” có lẽ là chữ Boat Cap mà ra. Anh Lực cũng không biết có phải như thế không, nhưng ai đã là “Bố Kép” là một tay súng cừ khôi, là một chiến sĩ can trường, có thể làm mọi thứ trên chiến đĩnh, nhất là phải biết cách chỉ huy đàn em, những người lăn lộn trong lửa đạn, coi cái chết như một sự tình cờ. “Bố Kép,” cái tên lan ra cả một vùng lân cận: Anh A ngon à, sắp làm “Bố Kép.”
“Bố Kép” Lực cho hay: “Giang Đoàn 43 Ngăn Chận và Giang Đoàn 64 Tuần Thám về tay tụi nó, do tên Tám Quốc chỉ huy. Tám Quốc người Mỹ Tho, và đơn vị có tên mới là C-15. Còn tất cả tàu bè của mình tụ về Bến Lức, dưới sự chỉ huy của tên Trần Đối, cứ như tên và chức vụ mà Trần Đối ký trên giấy di chuyển của tôi thì Trần Đối là Tham Mưu Trưởng Công Trường 5 của quân giải phóng.”
Được dịp nói chuyện với “Bố Kép” Lực, người viết có hỏi một câu chót: “Anh nghĩ gì về cuộc chiến cũ.” Anh Lực nói: “Thì mình là dân phải đi lính. Bên kia cũng thế. Lúc chưa đình chiến thì bắn nhau. Ngưng tiếng súng, gặp lại nhau thấy sao buồn cười quá.” Hiện anh Lực ở San Diego, các con anh đã lớn, thành đạt. Anh làm nghề xây cất, kể như rất thành công.
Phan Lạc Tiếp
Tháng 10/1999

No comments:

Post a Comment