Search This Blog

Thursday, December 1, 2011

TÌM HIỂU VỀ HỆ THỐNG SÔNG VÀM CỎ
Lê Công Lý
 
1.Giới thiệu chung về hệ thống sông Vàm Cỏ
          Theo một số tài liệu[1] thì sông Vàm Cỏ do hai nhánh là sông Vàm Cỏ Đông và sông Vàm Cỏ Tây hợp thành. Cả hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây đều “bắt nguồn” từ Campuchia.
          Sông Vàm Cỏ Đông chảy vào nước ta qua tỉnh Tây Ninh rồi đến các huyện Đức Hoà, Đức Huệ, Bến Lức, Tân Trụ, Cần Đước của tỉnh Long An. Sông có chiều dài 270km, riêng đoạn chảy trên đất Long An dài 140km, rộng trung bình 170m, chảy theo hướng tây bắc – đông nam, nơi hẹp nhất là 120m, nơi rộng nhất là ở hạ nguồn, khoảng 200m.
     Sông Vàm Cỏ Tây chảy vào nước ta theo kênh Cái Cỏ, chảy qua các huyện Vĩnh Hưng, Mộc Hoá, Tân Thạnh, Thạnh Hoá, Thủ Thừa, thị xã Tân An, Tân Trụ, Châu Thành của tỉnh Long An[2]. Sông chảy theo hướng tây bắc – đông nam, đoạn chảy trên đất Long An dài 185km, chiều rộng của sông tại Mộc Hóa là 110m.
Giữa sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây có nhiều kinh rạch đan xen nhau, nhưng đáng kể nhất là kinh Trà Cú Thượng và kinh Trà Cú Hạ (tức kinh Thủ Thừa). Hai sông này chảy đến ngã ba Bần Quỳ[3] thuộc địa phận xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ thì nhập lại thành một con sông lớn gọi là sông Vàm Cỏ. Sông Vàm Cỏ dài khoảng 39km, từ ngã ba Bần Quỳ đến sông Soài Rạp, rộng nhất là chỗ giáp sông Soài Rạp (3.100m), hẹp nhất là chỗ gần vàm sông Tra (420m). Đoạn sông này là ranh giới tự nhiên giữa huyện Cần Đước, tỉnh Long An và huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.
Sông Vàm Cỏ tuy ngắn nhưng có đến ba tên gọi. Ngoài tên gọi “Vàm Cỏ” ra, đoạn gần ngã ba Bần Quỳ còn gọi là sông Xá Hương[4], đoạn giáp với sông Soài Rạp gọi là vàm Bao Ngược.
(Xem bn đồ ti http://wikimapia.org/#lat=10.4641799&lon=106.5818024&z=11&l=38&m=b&show=/13228336/S%C3%B4ng-V%C3%A0m-C%E1%BB%8F)
 
2. Tại sao gọi là “Vàm Cỏ”, “vàm Bao Ngược”?
   a. Vấn đề tên gọi
Theo Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ thì: “Vàm: ngã ba sông rạch, nơi một con rạch giáp với sông hay một con sông nhỏ giáp với sông lớn”, khác với “cửa: nơi vàm sông đổ ra biển”[5]. Như vậy, tên gọi “Vàm Cỏ” tự nó đã cho biết đây chỉ là nhánh sông nhỏ của sông Soài Rạp. Riêng từ “Cỏ” có thể hiểu theo hai giả thuyết:
- Giả thuyết 1: “Cỏ” chính là cỏ dại mọc đầy trên sông do tốc độ dòng chảy thấp.
- Giả thuyết 2: Các tài liệu của Pháp gọi sông Vàm Cỏ là “Vaïco”. Theo chúng tôi, “Vaïco” bắt nguồn từ tiếng Khmer “piăm vaïco”, nghĩa là “vàm (piăm) đánh/lùa (vaï) bò (co)”[6]. Điều này cho biết sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây chính là con đường lùa trâu bò thuở xưa.
 Giả thuyết 2 tỏ ra có sức thuyết phục hơn. Thật vậy, trên địa bàn nước Chân Lạp xưa (gồm cả Nam Bộ hôm nay) có rất nhiều trâu bò. Năm Bính Thân 1296, Châu Đạt Quan theo sứ đoàn nhà Nguyên (Trung Quốc) sang đất Chân Lạp đã ghi nhận: “Vào nửa đường trong cửa sông, người ta mới thấy lần đầu cánh đồng ruộng bỏ hoang, không có một gốc cây nào. Xa hơn tầm mắt chỉ toàn là cỏ kê đầy dẫy. Hàng trăm hàng ngàn trâu rừng tựu hợp từng bầy trong vùng này”[7]. Trong nguyên bản ghi là “dã ngưu” 野牛 (trâu hoang dại), nhưng có thể hiểu là trâu bò nói chung, vì ở đoạn khác tác giả có ghi: “Bò rất nhiều [ngưu thậm đa]. Người ta cưỡi bò lúc còn sống, nhưng khi nó chết họ lại không dám ăn thịt, không dám lột da[8]… Họ chỉ bắt bò kéo xe”[9].
Truyện ngắn “Mùa len trâu” của Sơn Nam có miêu tả cảnh người ta lùa đàn trâu hàng trăm con đến vùng Ba Thê, Bảy Núi để tránh nước lụt như sau: “Trâu lội nước năm ba trăm con, đen đầu, đặc nước…” và: “Một cảnh tượng oai hùng, khi mặt trời vừa ló dạng, đàn trâu phải rút vào trong rừng tìm nơi ăn nằm… Trâu chạy ầm ầm. Không mấy chút, tràm gãy rôm rốp ngã liệt xuống, lõm rừng trở thành một cái đầm rộng [chúng tôi nhấn mạnh][10].
Ở Nam Bộ xưa nay vẫn lưu truyền các sự tích về việc voi/trâu/bò đi thành từng bầy theo đường cố định lâu ngày trở thành cái láng, con rạch, thậm chí con sông. Vậy có thể suy đoán rằng, sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây chính là đường mòn trũng do người dân bản địa (người Khmer vào thời đó) lùa trâu bò đi lâu ngày tạo thành.
Thật vậy, có thể giả định rằng, trên địa bàn nước Chân Lạp xưa, vùng Lục Chân Lạp (tương ứng với miền Thượng Lào và Hạ Lào ngày nay) tuy địa bàn cao ráo, phù hợp cho bò phát triển, nhưng mặt khác lại chịu ảnh hưởng của đạo Bà la môn mạnh mẽ hơn vùng Thủy Chân Lạp (tương ứng với địa bàn Campuchia và Nam Bộ ngày nay) nên tục kiêng thịt bò rất phổ biến. Vì vậy mà một bộ phận thương lái nắm bắt cơ hội đó lùa trâu bò xuống miền Thủy Chân Lạp để bán. Hoạt động này kéo dài mãi đến cả sau khi người Việt đặt chân đến vùng đất Nam Bộ, họ đã tiêu thụ một lượng đáng kể trâu bò từ Cao Miên. Trong cuốn Nửa tháng trong miền Thất Sơn, Nguyễn Văn Hầu đã ghi nhận: “Bò trâu từ đất Miên lùa về, mua mắc mua rẻ có mà đánh cắp cũng có…”[11]. Do đó ở Nam Bộ có danh từ “bò Miên” để chỉ loại bò này, giá thường rẻ hơn bò nuôi tại chỗ.
Có lẽ một lượng lớn trâu bò của nước Chân Lạp xưa được kết tập chủ yếu về hạ lưu sông Vàm Cỏ Tây, khoảng vị trí thị xã Tân An (tỉnh Long An) ngày nay, cho nên đoạn sông này được sử sách nhà Nguyễn gọi là sông Vũng Gù (chữ Hán gọi là Cù Úc Giang), đồng thời con kinh từ Tân An ăn vô nội đồng về phía Mỹ Tho cũng gọi là kinh Vũng Gù (đến năm 1819 được nạo vét thêm và đào thông với sông Tiền tại Mỹ Tho, đặt tên là kinh Bảo Định).
Theo Trương Vĩnh Ký thì tiếng Khmer gọi sông Vũng Gù là Tonlé Oknha Kou (sông, ông quan[12], bò), kinh Vũng Gù là Cumnik Kompon Kô (kinh, bến, bò) [13]. Cũng theo Lê Hương, trong tiếng Khmer không có âm [g] nên khi phiên âm phải dùng âm [k][14] (c). Do đó, hai âm tiết (Vũng) Gù và (Kompon) Ku/Kou/Kô/Co chỉ là biến thể của nhau. VD: Tiếng Khmer đọc “Sài Côn” thì tiếng Việt gọi là “Sài Gòn”.
Điều này hoàn toàn thống nhất với tên gọi “piăm vaïco” (vàm đánh bò) như đã nói trên.
Nguồn trâu bò các nơi dồn về Sài Gòn giúp nghề thuộc da trở thành nghề truyền thống và phát triển mạnh[15]. Khi Pháp chiếm Nam Kỳ, sản phẩm thuộc da càng được đẩy mạnh xuất khẩu:
- Năm 1894 xuất khẩu da thú và sản phẩm từ các giống thú trị giá 378.157 francs.
- Tương tự, năm 1895 là 1.939.331 francs, năm 1896 là 2.519.600 francs.
Theo tạp chí Kinh tế Đông Dương (B.E.I.) số 828, trong sáu tháng đầu năm 1934, cảng Sài Gòn đã xuất khẩu 779 tấn da thuộc (so với 809 tấn năm 1933)[16].
Riêng giả thuyết cho “Vaïco” là do người Pháp phiên âm từ “Vàm Cỏ” trong tiếng Việt tỏ ra khó thuyết phục vì hai từ này khác biệt nhau khá nhiều về ngữ âm: khi phát âm “vàm” phải ngậm môi trong khi “vaï” thì không ngậm môi. Hơn nữa, trong các sách của Pháp[17], tất cả các địa danh mang từ “vàm” trong tiếng Việt đều được ghi là “vam”. Chẳng hạn: Vàm Gia thì ghi là “Vam diưa”, Vàm Nao thì ghi là “Vam Nao”[18]. Đặc biệt, trong Tiểu giáo trình địa lý Nam kỳ[19] (bản chữ Pháp), Trương Vĩnh Ký đều giữ nguyên tự dạng viết theo chữ Quốc ngữ của tất cả các các địa danh, kể cả các địa danh có từ “Vàm” như: “Vàm Bến Nghé”, “Vàm Bát Tân”, “Vàm Gia”, “Vàm Tuần”, “Vàm Ông Chưởng”, “Vàm Nao”, “Vàm Ray”… Trong khi đó, ông và các học giả người Pháp đều gọi sông Vàm Cỏ là “le Vaïco”. Điều này chứng tỏ “Vaïco” không phải là tiếng phiên âm từ “Vàm Cỏ” trong tiếng Việt.
Tóm lại, thiết nghĩ đến đây có thể kết luận về nguồn gốc tên gọi Vàm Cỏ như sau:
Trong tiếng Việt
Trong tiếng Khmer
Vàm
piăm
Cỏ
vaïco (đánh/lùa bò)
 
Trên đây đã giải thích tại sao gọi là “Vàm Cỏ”. Đến đây cần giải thích tại sao gọi là “sông Vàm Cỏ”.
Thông thường, tên các sông rạch được cấu tạo theo công thức “sông”+X hoặc “vàm”+X. Tuy nhiên, hệ thống sông Vàm Cỏ vừa mang tính chất của một con rạch (tính chất “vàm”), lại dài và lớn hơn con rạch thông thường nên gọi là “sông”. Đây chính là lý do dẫn đến tên gọi đặc biệt của nó: sông Vàm Cỏ (“sông”+“vàm”+X).
Sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí biên soạn đầu đời Gia Long gọi sông Vàm Cỏ Đông là “Lật Giang” (sông Bến Lức), Vàm Cỏ Tây là “Cù Úc Giang” (sông Vũng Gù). Sách Gia Định thành thông chí biên soạn cuối đời Gia Long gọi sông Vàm Cỏ Đông là “Thuận An Giang”, Vàm Cỏ Tây là “Hưng Hoà Giang”, sông Vàm Cỏ là “Thảo Giang”. Sách Đại Nam nhất thống chí biên soạn cuối đời Tự Đức gọi sông Vàm Cỏ Đông là “Cửu An Giang”, Vàm Cỏ Tây là “Hưng Hoà Giang”. Đến năm 1875, trong Tiểu giáo trình địa lý Nam kỳ, Trương Vĩnh Ký gọi sông Vàm Cỏ Đông là “Le Vaïco Oriental”, Vàm Cỏ Tây là “Le Vaïco Occidental”, sông Vàm Cỏ là “Le Vaïco”[20]. Trong cuốn Tân An ngày xưa, Đào Văn Hội lại gọi sông Vàm Cỏ Đông là Waico Oriental, sông Vàm Cỏ Tây là Waico Occidental. (Đây chắc hẳn là do viết sai chính tả mà thành). Trong Tự vị tiếng nói miền Nam (mục từ “vàm Bao Ngược”), Vương Hồng Sển cho biết “Pháp gọi [vàm Bao Ngược] là le grand Vaïco” (nghĩa là “sông Vàm Cỏ lớn”).
 
   b.Đặc điểm của hệ thống sông Vàm Cỏ - nguồn gốc tên gọi “Bao Ngược”
Sở dĩ hệ thống sông Vàm Cỏ nhìn chung nhỏ hẹp là vì nó không có nguồn rõ ràng. Cái gọi là “nguồn” của nó thật ra chỉ là vùng đồng bằng trũng thấp thuộc địa phận Campuchia, nơi có vô số kinh rạch chằng chịt. Chính vì vậy mà Địa chí Long An mặc dù cho rằng sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây “bắt nguồn” từ Campuchia nhưng vẫn phải thừa nhận: “Sông Vàm Cỏ Tây không có lưu vực riêng, là con sông thoát lũ của sông Cửu Long”[21].
Đặc điểm tự nhiên quan trọng hàng đầu của hệ thống sông Vàm Cỏ là: Trong khi hầu hết các con sông trên thế giới bắt nguồn từ các cao nguyên thì nó lại “bắt nguồn” từ vùng đầm lầy. Để lý giải trường hợp này, Lê Bá Thảo cho rằng: “Trái với bậc thềm phù sa cổ ở rìa tây nam châu thổ Bắc Bộ, bậc thềm Đông Nam Bộ có nguồn gốc sông… Chính sông Cửu Long trước kia, khi chảy qua miền này đã là nhân tố chính cấu tạo nên các bậc thềm ấy. Về sau, khi miền Đông được nâng lên trong nguyên đại đệ tứ… sông Cửu Long đã trượt dần xuống phía nam về vị trí như hiện nay và đã để lại bậc thềm nói trên. Người ta còn có thể tìm thấy vết tích của những lòng sông cũ biểu hiện ra thành những hồ dài và những trũng tù khép kín thấy phổ biến ở Hậu Nghĩa [huyện Đức Hoà, tỉnh Long An], Tây Ninh, Biên Hoà và Long Khánh [tỉnh Đồng Nai][22]. Và ông suy đoán: “Rất có thể là phần thượng lưu và trung lưu của các sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây cũng đang chảy trong các lòng sông cũ đó”[23].
Như vậy, hiện tại thì hệ thống sông Vàm Cỏ rõ ràng là không có nguồn. Cũng theo Lê Bá Thảo thì vùng hạ lưu sông Vàm Cỏ là “đồng bằng rìa, nằm ở một vị trí ngược với hướng của dòng biển và dòng phù sa ven bờ”“Nguồn cung cấp nước của chúng lại chính là từ biển đến [chúng tôi nhấn mạnh] chứ không phải là từ đất liền” [24]. Chính vì điều này nên đoạn cuối của sông Vàm Cỏ được gọi là vàm Bao Ngược, nghĩa là nguồn cung cấp nước chảy ngược từ biển vào nội địa. Điều này cũng lý giải tại sao hệ thống sông Vàm Cỏ khá hẹp, tương đối ngắn, có độ dốc thấp (0,020/00) và hệ số uốn khúc cao (1,5).
Đặc biệt, đoạn cuối của sông Vàm Cỏ bị uốn khúc mạnh hơn các đoạn khác, tạo thành ba hình vòng cung liên tiếp nhau như thế bao bọc, đó chính là nguồn gốc của tiếng “Bao” trong “Bao Ngược”.
 
3.Chất lượng nước của sông Vàm Cỏ trước đây
Do bị thuỷ triều chi phối mạnh nên hệ thống sông Vàm Cỏ bị nhiễm mặn nặng. Sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí chép về địa điểm chợ Bến Lức như sau: “Mùa đông xuân nước trong mà mặn, thu hè nước đục mà ngọt”[25]. Sách Gia Định thành thông chí chép: “Sông Bến Lức… mùa đông, mùa xuân nước trong mà mặn; mùa thu, mùa hạ nước đục mà lợ”[26]: “Hai huyện Phước Lộc và Thuận An [nay là các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức, tỉnh Long An] ở gần cửa biển, ruộng bùn nước mặn, trong có đào ao vét giếng, nước tuy lợ nhưng đun sôi lại mặn”[27]. Chính vì vậy mà tại Cần Đước có con kinh mang tên là kinh Nước Mặn.
Lý do là vì mùa đông và mùa xuân ít mưa nên mực nước nội đồng thấp, nước biển theo hệ thống sông Vàm Cỏ xâm nhập vào dễ dàng, có khi đến 140km tính từ cửa biển. Theo Địa chí Long An, mùa khô nước mặn theo sông Vàm Cỏ Tây lên đến Tuyên Nhơn (huyện Thạnh Hoá, tỉnh Long An), theo sông Vàm Cỏ Đông lên đến Hiệp Hoà (huyện Đức Hoà, tỉnh Long An) với hàm lượng 4g/lit, gây hại đến 30.000 ha[28]. Tuy nhiên, vùng bị nhiễm mặn nặng nề nhất là miền Hạ Long An: tại Cần Giuộc, nước sông có độ mặn khoảng 3g/lít (đầu tháng 1) đến 11g/lít (đầu tháng 3)[29]. Đến mùa hạ, mùa thu lượng mưa nhiều, nguồn nước từ sông Mêkông tràn về gây ngập tràn nên hệ thống sông Vàm Cỏ bị ảnh hưởng, có màu đục của phù sa sông Mêkông và giảm độ mặn, trở thành nước lợ.
Do rất ít nhận phù sa của sông Mêkông nên hệ thống sông Vàm Cỏ hầu như quanh năm có màu trong xanh, màu đặc trưng của nước phèn từ Đồng Tháp Mười chảy ra:
Vàm Cỏ Đông ơi hỡi dòng sông,
Nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng…
 (Ca khúc “Vàm Cỏ Đông” – thơ Hoài Vũ,
nhạc Trương Quang Lục).
Chính cái màu xanh chủ đạo này làm nên bức nền đặc biệt của miền Hạ Long An (hạ lưu sông Vàm Cỏ):
Ôi bát ngát chân trời miền Hạ,
Tím tình yêu, tím cả ước mong.
(Ca khúc “Anh ở đầu sông, em cuối sông”
 – thơ  Hoài Vũ, nhạc Phan Huỳnh Điểu).
Do đất nhiễm mặn, khó trồng trọt nên mặc dù miền Hạ Long An là nơi lưu dân người Việt (theo đường thuỷ) đến định cư từ rất sớm (sớm nhất là ở Cần Đước), nhưng người dân lại thường bị thiếu đói nên phổ biến là theo nghề thương hồ, phiêu dạt khắp các tỉnh miền Tây. Đồng thời  do vàm Bao Ngược là đầu mối giao thông thuỷ từ miền Tây lên Sài Gòn[30] nên ghe thuyền thường phải đi ngang đây. Bởi vậy mà trong số chín khố (kho) trường biệt nạp của ba dinh Trấn Biên, Phiên Trấn, Long Hồ vào những năm 1774 có tới hai trạm thu thuế phụ trách ở địa bàn Cần Đước, Cần Giuộc là Cảnh Dương và Thiên Mụ[31].
 
4.Đặc điểm của vàm Bao Ngược
Vàm Bao Ngược (chỗ tiếp giáp giữa sông Vàm Cỏ với sông Soài Rạp) là một vị trí hết sức đặc biệt, là nơi hội tụ nhiều dòng nước:
-         Dòng nước biển/thuỷ triều.
-         Dòng sông Vàm Cỏ.
-         Dòng sông Tra (gồm cả kinh Chợ Gạo và rạch Gò Công).
-         Dòng sông Cần Giuộc (gồm cả kinh Nước Mặn nối sông Cần Giuộc và sông Vàm Cỏ).
-         Dòng sông Nhà Bè (gồm cả sông Sài Gòn và hệ thống sông Đồng Nai).
Nói cách khác, ngoài hệ thống sông Mêkông ra, hầu hết các sông rạch của cả miền Đông và miền Tây Nam Bộ đều hội tụ tại đầu vàm Bao Ngược để đổ ra biển qua cửa Soài Rạp. Chính vì vậy mà nơi đây có nhiều xoáy nước nguy hiểm, sóng to gió lớn, dễ nhận chìm tàu thuyền. Trong cuốn Gò Công cảnh cũ người xưa, Việt Cúc có miêu tả vàm Bao Ngược như sau: “Dòng nước sâu cuồn cuộn chảy… Khi gặp phải chiều gió ngược, sóng to đập mạnh vào mạn thuyền, nước bay tung toé lên sàn thuyền trắng xoá” rồi từ đó ông giải thích: “Người xưa đặt tên Bao Ngược gợi ý nghĩa một khúc sông hội tụ tất cả nhiều nguồn rạch, đổ về đây”[32]. Trong khi toàn vùng nhìn chung có gió mùa đông bắc và tây nam thay nhau thổi qua thì tại vàm Bao Ngược, theo Việt Cúc, “hướng gió đông nam ròng rã thổi qua nhiều hơn các chiều gió khác”. Chính hướng gió này đưa sóng biển vào và thỉnh thoảng có sóng thần nhận chìm tàu thuyền, do đó mà khách thương hồ qua đây thường phải cầu khẩn, van vái và cúng kiếng các thần Thuỷ Long, Hà Bá và miếu Bần Quỳ mong cho tai qua nạn khỏi. Bởi vậy mà nơi đây luôn là nỗi ám ảnh của khách thương hồ:
- Thứ nhất Vàm Nao, thứ nhì Bao Ngược.
- Một là sang ngang Bao Ngược,
Hai là vượt sông Vàm Tuần[33].
- Anh đi ghe lúa Gò Công,
Trở về Bao Ngược bị dông đứt buồm.
Đứt buồm nước chảy có cuồn,
Anh đi qua đó dựng buồm chạy luôn.
(Ca dao)
- Sông Tra[34] thả ra Bao Ngược, sợ gặp sóng thần
Vịnh Xã Kiểng đến Vàm Tuần, sợ thần Hà Bá.
(Ca dao)
Trương Định lập căn cứ chống Pháp trên đất Gò Công, sát bờ sông Vàm Cỏ. Khi khởi nghĩa thất bại (20/8/1864), Trương Định tự sát, Nguyễn Đình Chiểu làm một bài văn tế và 12 bài thơ liên hoàn điếu Trương Định, trong đó có hình ảnh vàm Bao Ngược dậy sóng:
Trên trại đồn điền hoa khóc chủ,
Dưới vàm Bao Ngược sóng kêu quan.
(“Điếu Trương Định”, bài VII).
Vì vàm Bao Ngược chính là cửa ngõ đường thuỷ từ miền Tây lên Sài Gòn nên những xoáy nước và sóng thần ở đây gây cản trở rất lớn. Do đó mà ngày 20/10/1879, Thống đốc Nam Kỳ ra nghị định thành lập thành phố Chợ Lớn thì cũng ngay trong năm này Pháp cho đào xong kinh Nước Mặn nối sông Vàm Cỏ với sông Cần Giuộc (cũng gọi là sông Rạch Cát) ở huyện Cần Đước. Kinh Nước mặn chỉ dài khoảng 1km nhưng có tác dụng rất lớn về mặt giao thông: vừa rút ngắn được thuỷ trình đáng kể, vừa tránh được vàm Bao Ngược nguy hiểm.
 
5.Chất lượng nước của hệ thống sông Vàm Cỏ hiện nay
Càng về sau này thì độ nhiễm mặn của hệ thống sông Vàm Cỏ càng giảm dần do hệ thống kinh rạch được khai thông giữa sông Tiền và sông Vàm Cỏ Tây để đưa nước sông Tiền sang, làm tăng áp lực dòng chảy của hệ thống sông Vàm Cỏ và bổ sung một lượng phù sa nhất định. Có thể kể đến các con kinh như:
-         Kinh Bà Bèo: đào lần đầu năm 1785, sau đó vét nhiều lần, nhưng lần nạo vét đáng kể nhất là trong những năm đầu thế kỷ XX, nối thẳng sông  Vàm Cỏ Tây với sông Tiền.
-         Kinh Lagrange: đào năm 1897, từ sông Vàm Cỏ Tây ăn vô nội đồng Đồng Tháp Mười.
-         Kinh Đồng Tiến: đào năm 1954, nối kinh Lagrange (kinh Dương Văn Dương) thẳng ra sông Tiền, cắt ngang Đồng Tháp Mười, song song với kinh Bà Bèo.
Đến những năm 1985, nhà nước xúc tiến kế hoạch khai thác Đồng Tháp Mười một cách quy mô. Theo kế hoạch này, toàn bộ diện tích Đồng Tháp Mười được đào kinh xẻ rãnh ngang dọc chằng chịt, nhưng quan trọng nhất là việc vét kinh Nguyễn Văn Tiếp, kinh Phước Xuyên và đào mới kinh Hồng Ngự – Vĩnh Hưng năm 1988 (còn gọi kinh Trung Ương). Các con kinh này dẫn nước ngọt từ sông Tiền để rửa phèn vốn tích tụ lâu đời trong lòng chảo Đồng Tháp Mười.
Cùng lúc đó, một hệ thống cống đập được xây dựng tại vàm các con kinh nói trên, chỗ tiếp giáp với sông Vàm Cỏ Tây, có tác dụng ngăn nước mặn từ biển vào, cải thiện đáng kể nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Cũng do áp lực dòng chảy của hệ thống sông Vàm Cỏ được tăng cường nên ngày nay tính chất “vàm” và “ngược” (nguồn cung cấp nước ngược từ biền vào) giảm hẳn, khiến rất nhiều người không hiểu vì sao lại có tên gọi “sông Vàm Cỏ” và “vàm Bao Ngược” nghe lạ lùng đến thế.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.     Châu Đạt Quan, Chân Lạp phong thổ ký [1973], Lê Hương dịch và chú thích, Nxb Văn Nghệ, 2007 [Có in nguyên văn].
2.     Đào Văn Hội, Tân An ngày xưa, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hoá xb, SG, 1972.
3.     Hoàng Học, Từ điển Việt – Khmer (2 tập), Nxb Khoa học Xã hội, 1978.
4.     Huỳnh Minh, Gò Công xưa [1969], Nxb Thanh niên tái bản, 2001.
5.     Lê Bá Thảo, Thiên nhiên Việt Nam, Nxb Khoa học và Kỹ thuật, 1977.
6.     Lê Hương, Người Việt gốc Miên, Tác giả xb, Sài Gòn, 1969.
7.     Lê Hương, Tự học Miên ngữ, Khai Trí xb, Sài Gòn, 1973.
8.     Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Bản dịch của Phan Đăng, Nxb Thuận Hoá, 2005 [Có in nguyên văn].
9.     Lê Trung Hoa, Bước đầu tìm hiểu địa danh gốc Khmer ở Nam Bộ, Tài liệu đánh máy chưa công bố.
10. Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ, Tự điển Việt Nam [2 tập], Khai Trí xb, SG, 1972.
11. Nguyễn Hiến Lê, Đế Thiên Đế Thích [1943], Nxb Văn hóa Thông tin tái bản, 1993.
12. Nguyễn Hữu Hiếu, Tìm hiểu nguồn gốc địa danh Nam Bộ qua truyện tích và giả thuyết, Nxb Khoa học Xã hội, 2004.
13. Nguyễn Phan Quang, Góp thêm tư liệu Sài Gòn – Gia Định từ 1858 – 1945, Nxb Trẻ, 1998.
14. Nguyễn Phan Quang, Lê Hữu Phước, Khởi nghĩa Trương Định, Nxb Trẻ, 2001.
15. Nguyễn Văn Hầu, Nửa tháng trong miền Thất Sơn [1970], Nxb Trẻ, 2000.
16. Nhiều tác giả, Cần Đước đất và người, Sở Văn hoá – Thông tin Long An xb, 1988.
17. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí. Lục tỉnh Nam Việt, Nha Văn hóa, Bộ Quốc gia Giáo dục xb, SG, 1959.
18. Sơn Nam , Hương rừng Cà Mau, Nxb Trẻ, 1993.
19. Thạch Phương, Lưu Quang Tuyến cb, Địa chí Long An, Nxb Long An – Nxb Khoa học Xã hội, 1989.
20. Trần Hoàng Diệu, Nguyễn Anh Tuấn cb, Địa chí Tiền Giang, tập 1,  Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang – Trung tâm Unesco Thông tin Tư liệu Lịch sử Văn hoá Việt Nam xb, 2005.
21. Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Bản dịch của Lý Việt Dũng, Nxb Đồng Nai, 2005.
22. Trương Vĩnh Ký, Petit cours de Géographie de la Basse-Cochinchine (Tiểu giáo trình địa lý Nam Kỳ), 1re Édition, Saigon, Imprimerie du Gouvernement, 1875; Bản dịch của Nguyễn Đình Đầu, Nxb Trẻ in năm 1997.
23. Việt Cúc, Gò Công cảnh cũ người xưa [1968], Nxb Trẻ tái bản năm 1999.
24. Vương Hồng Sển, Tự vị tiếng nói miền Nam , Nxb Trẻ, 1999.
  1. www.wikimapia.org.
(Bài này đã đăng trên T/c Nghiên cứu và Phát triển, số 2/2009).


[1] Chẳng hạn: Địa chí Long An, Thạch Phương, Lưu Quang Tuyến cb, Nxb Long An – Nxb KHXH, 1989; Địa chí Tiền Giang, tập 1, Trần Hoàng Diệu, Nguyễn Anh Tuấn cb, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang – Trung tâm Unesco Thông tin Tư liệu Lịch sử Văn hoá Việt Nam, 2005.
[2] Địa chí Long An, Sđd, tr. 95 – 96.
[3]Miễu Bần Quỳ là nơi thờ Mai Công Hương (Xá Hương). Theo Gia Định thành thông chí, ông giữ chức Xá sai ty ở dinh Phiên trấn, phụ trách vận chuyển quân lương. Năm 1705, vua Cao Miên là Nặc Ông Yêm bị em là Nặc Ông Thâm cầu viện quân Xiêm về để cướp ngôi. Nặc Ông Yêm cầu cứu chúa Nguyễn, Cai cơ Nguyễn Cửu Vân thống lãnh quân thuỷ bộ chặn đánh quân Xiêm tại Rạch Gầm (Mỹ Tho). Mai Công Hương được giao nhiệm vụ vận chuyển quân lương đi sau. Khi đến ngã ba này, bị kỳ binh Cao Miên chặn đánh ngay mạn sườn, đội quân chuyển vận vì quá ít nên phải bỏ trốn. Xá Hương bèn đục thuyền làm chìm lương thực rồi nhảy xuống sông tự trầm, quân Cao Miên không cướp được gì cả. Thắng trận, triều đình phong cho Xá Hương làm Vị quốc tử nghĩa thần quan, cho lập miếu thờ tại đây, rất linh ứng. Tương truyền khi xưa các cây bần ở trước miếu thờ này đều cúi rạp như dáng người đang quỳ gối nên gọi là Bần Quỳ.
[4] Xem chú thích số 3.
[5] Tự điển Việt Nam, mục từ “vàm” và “cửa”, Khai Trí xb, SG, 1972.
[6] Ông Hứa Sa Ni (người Việt gốc Khmer, giảng viên Đại học Văn hoá TP.HCM) và ông Danh Đông (chuyên viên Bảo tàng Khmer tỉnh Sóc Trăng) cho biết trong tiếng Khmer, hai âm tiết “Vaïco” nghĩa là “đánh con bò”. Nhân đây xin cảm ơn.
[7] Châu Đạt Quan, Chân Lạp phong thổ ký, mục Sơn xuyên, Lê Hương dịch và chú thích, Nxb Văn Nghệ, 2007, tr.73.
[8] Do chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của của đạo Bà la môn. Tại Angkor Vat hiện vẫn còn nhiều bức tượng thần bò (Nandi).
[9] Sđd, mục Tẩu thú, tr.81.
[10] Sơn Nam , Hương rừng Cà Mau, Nxb Trẻ, 1993, tr.128, 130.
[11] Nửa tháng trong miền Thất Sơn [1970], Nxb Trẻ, 2000, tr.61.
[12] Oknha: tước quan trong triều vua Cao Miên [chú thích của Lê Hương].
[13] Dẫn theo Lê Hương, Người Việt gốc Miên, Tác giả xb, Sài Gòn, 1969, tr.257 – 258.
[14] Lê Hương, Tự học Miên ngữ, Khai Trí xb, Sài Gòn, 1973, tr.28.
[15] Hiện nay tại số 27 đường Âu Cơ, P.14, Q.11 vẫn còn trụ sở Nghiệp đoàn ngành Da do ông Huỳnh Há làm chủ tịch, quy tụ 35/48 cơ sở.
[16] Dẫn theo Nguyễn Phan Quang, Góp thêm tư liệu Sài Gòn – Gia Định từ 1858 – 1945, Nxb Trẻ, 1998, tr.90, 91, 93.
[17] Chẳng hạn: Giadinh thung chi, Aubaret, Imprimerie Impériale, Paris, 1863.
[18] Dẫn theo Vương Hồng Sển, Tự vị tiếng nói miền Nam , Nxb Trẻ, 1999, tr.630 – 633.
[19] Petit cours de Géographie de la Basse-Cochinchine par -P.-J. Trương Vĩnh Ký, 1re Édition, Saigon , Imprimerie du Gouvernement, 1875; Nxb Trẻ in năm 1997.
[20] Sđd, tr.79.
[21] Sđd, tr.96.
[22] Thiên nhiên Việt Nam, Nxb Khoa học và Kỹ thuật, 1977, tr.225 – 226.
[23] Sđd, tr.226.
[24] Sđd, tr.259.
[25] Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Bản dịch của Phan Đăng, Nxb Thuận Hoá, 2005, tr.92.
[26] Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Bản dịch của Lý Việt Dũng, Nxb Đồng Nai, 2005, tr.46.
[27] Sđd, tr. 187. Vì khi đun sôi, lượng nước giảm, hàm lượng muối sẽ tăng.
[28] Sđd, tr.114.
[29] Sđd, tr.112.
[30] Đây là thuỷ trình có từ rất sớm: từ sông Tiền tại Mỹ Tho theo rạch Kỳ Hôn đến vàm sông Tra, rẽ phải theo sông Vàm Cỏ ra vàm Bao Ngược rồi rẽ trái theo sông Cần Giuộc lên Sài Gòn. Tháng 5/1877, Pháp cho đào kinh Chợ Gạo nối rạch Kỳ Hôn với vàm sông Tra giúp thuỷ trình này thêm thông suốt.
[31] Theo Cao Tự Thanh, trong Cần Đước đất và người, Nhiều tác giả, Sở VHTT Long An xb, 1988, tr.28.
[32] Việt Cúc, Gò Công cảnh cũ người xưa [1968], Nxb Trẻ tái bản năm 1999, tr.36 – 37.
[33] Đoạn sông từ Lý Nhơn (huyện Cần Giờ, TP.HCM) sang sông Vàm Cỏ, sóng to, ghe thuyền thường hay bị chìm.
[34] Sông Tra từ huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) chảy ra sông Vàm Cỏ.

No comments:

Post a Comment