Search This Blog

Saturday, April 7, 2012


BẰNG CHỨNG VỀ LUÂN HỒI/REINCARNATION .
Thần đồng .
Thử xem hai đứa học sanh: đứa nầy học được nhiều năm, đứa kia mới cắp sách đến trường.
Ðứa học lâu tất nhiên học giỏi hơn đứa mới nhập học .
Và cùng học một lớp, cùng được một thầy ân cần dạy dỗ, tại sao đứa thông minh đứa u ám?
Lại cũng trên quả địa cầu nầy, tại sao có dân tộc văn minh và dân tộc dã man lạc hậu?Sự sai biệt ấy, ai cũng biết là do trình độ tấn hóa khác nhau. Ðứa học sanh u ám, một dân tộc kém văn minh là tại ít tấn hóa. Nói tấn hóa đây, tức là nói luân hồi chuyển kiếp. Phàm một kiếp luân hồi là một nấc thang tấn hóa. Dân tộc dã man là dân tộc còn mới trên đường tấn hóa, tức mới trải qua ít kiếp luân hồi, nên ít kinh nghiệm, ít học hỏi. Trái lại, dân tộc văn minh là dân tộc đã lâu đời trên đường tấn hóa, tức đã trải qua nhiều kiếp luân hồi, nên thâu thập được nhiều kinh nghiệm, nhiều học thức.
Ðành rằng kiếp luân hồi là kiếp chung cho Vạn linh, nhưng trình độ tấn hóa của một kiếp riêng con người lại do thời gian của điểm Chơn linh dùng để tấn hóa, kể từ khi bắt đầu thác sanh xuống thế. Cái trình độ tấn hóa thấp hay cao là do điểm Chơn linh đã trải qua ít hay nhiều kiếp luân hồi vậy.
Các vị thần đồng là người đã được nhiều kiếp luân hồi và trong nhiều kiếp ấy, kiếp nào cũng chuyên học một khoa hay một nghệ thuật nào, nên học lực về các môn ấy được trổi hơn bực thường nhơn. Vậy có nhiều hạng thần đồng, có hạng giỏi văn chương nghệ thuật, có hạng giỏi toán pháp, âm nhạc hay hội họa,v.v…
Có thần đồng tức là có bằng chứng về kiếp luân hồi. Ai không chịu tin có kiếp luân hồi tất không thể dựa vào đâu mà giải thích được nguyên do cái siêu năng kỳ diệu của mấy vị thần đồng ấy.

Thần đồng xưa và nay
Từ Âu sang Á, từ cổ cập kim, nước nào và thời đợi nào cũng có bực thần đồng.
Bên Trung Hoa, Cam La mới 12 tuổi đã được Tần Thỉ Hoàng phong chức Thượng Khanh. Thuở ấy vua nước Yên sai Thái Tử Ðan qua nước Tần mượn Ðại Tướng nước Tần là Trương Ðường giúp Yên đánh Triệu. Lữ Bất Vi, tức cha ruột Tần Thỉ Hoàng, đương làm Tể Tướng cũng nói giúp vào, nhưng Trương Ðường sợ đánh không thắng Triệu, nên quyết chẳng chịu sang giúp Yên. Bất Vi thấy vậy lấy làm buồn bực. Cam La đương ở làm hạ khách cho họ Lữ hay được liền nói: "Tưởng việc gì khó, chớ việc thuyết phục Trương Ðường, tôi thấy dễ như lấy đồ trong túi". Bất Vi giận nói: "Ta làm tới bực Tể Tướng, một tay điều khiển muôn binh, chỉ thua vua một bực, vậy mà Trương Ðường không chịu tuân thay, huống chi ngươi là một đứa bé, tài gì nói cho hắn nghe theo?". Cam La cười đáp: "Vậy ngài không nhớ thuở xưa Hạng Thác mới 7 tuổi mà thuyết phục được Khổng Tử đó sao? Nay tôi 12 tuổi, hơn Hạng Thác tới 5, tất nhiên phải hiểu biết nhiều hơn Hạng Thác".
Nghe lời nói khẳng khái ấy, Bất Vi vui lòng để Cam La đi. Trương Ðường tiếp rước Cam La rồi hỏi đến có việc chi, Cam La đáp: "Tôi đi qua điếu tướng quân". Trương Ðường lấy làm lạ hỏi:
- Tôi còn sống sờ sờ đây mà ngài nói vậy nghĩa là làm sao?
- Tướng quân sống cũng như chết rồi kia.
- Xin ngài cắt nghĩa.
- Tướng quân tài không bằng Bạch Khởi, quyền hành thì Phạm Thơ không bằng Lữ Bất Vi. Mà hồi trước Bạch Khởi vì không tuân lịnh Phạm Thơ sai chàng đánh Triệu, nên thọ tử hình. Huống chi họ Lữ bây giờ có đủ quyền thế mà tướng quân lại cãi lịnh, vậy có phải tướng quân là người chết chưa chôn đó không?"
Trương Ðường nghe lời hữu lý, giựt mình, cậy Cam La về thưa lại với Bất Vi, ông bằng lòng sang đánh Triệu.
Cam La lại được Tần Thỉ Hoàng sai đi sứ qua thuyết phục vua Triệu. Triệu Vương thấy Cam La còn nhỏ, cười hỏi mỉa mai: "Bên nước Tần hết người lớn rồi thì phải?"
- Tâu bệ hạ, người lớn thì không thiếu gì, nhưng mỗi người phải tùy việc lớn nhỏ mà làm, lớn thì lãnh việc lớn, còn đi sứ bên nước Triệu đây vốn la việc nhỏ, nên hạ thần tuổi nhỏ phải đi".
Vua Triệu nghe nói, lấy làm thán phục Cam La. Nhơn cơ hội ấy Cam La mới thuyết phục được Triệu Vương chịu dâng thành cho Tần mà xin giao hảo.

***
Ở nước Việt Nam, vào đời Trần Thái Tôn, Nguyễn Hiền mới 12 tuổi được nổi tiếng thần đồng. Lúc Nguyễn Hiền còn là một thiếu sanh, có một ông huyện nhơn nghe danh họ Nguyễn, bèn ra cho ông câu đối sau nầy cốt để thử sức và trêu đùa:
- "Học trò là học trò con, quần áo lon xon là con học trò".
Nguyễn Hiền chẳng cần suy nghĩ, đối lại:
- "Ông huyện là ông huyện thằng, ăn nói lằng xằng là thằng ông huyện".
Nghe câu đối ấy, ông huyện chẳng những không giận mà còn thán phục thiên tài và chí khí của vị thần đồng.
****
Ở nước Pháp, ông Pascal vốn là một bực thiên tài của thế kỷ 17: ông giỏi về hình học, vật lý học, triết học, luôn cả về văn chương. Lúc mới 12 tuổi, ông đã nổi tiếng thần đồng. Với từng ấy tuổi, ông không học hỏi sách nào thế mà đã tìm hiểu được những định lý đầu tiên về hình học của Euclide (Premières propositions de géométrie d'Euclide). Qua 16 tuổi, ông viết quyển "Khái luận về thiết diện hình nón" (Traité des sections coniques), làm cho nhà triết lý vừa toán học nước Pháp lúc bấy giờ là Descartes phải ngạc nhiên thán phục.
Nhà thiên văn học và toán học người Ðức là ông Gauss, lúc mới lên ba, đã giải được những bài toán đố về số học.
Ông William Hamilton, một triết gia xứ Ecosse, hồi 3 tuổi, đã học được tiếng Hy bá lai (Hébreu), đến 7 tuổi, học lực của ông đã trỗi hơn phần đông cử tử thi bằng thạc sĩ. Lên 13 tuổi, ông biết được 12 thứ tiếng.
Ông MichelAnge, người nước Ý, lúc lên 8, học nghề hội họa giỏi đến đỗi thầy dạy ông là Ghirlandajo, bảo ông không còn gì phải học nữa.
Ông Mozart, người nước Áo, mới 4 tuổi đã biết đánh dương cầm, đến 11 tuổi, ông đặt 2 bản hát đem diễn tại hí viện: bản Finta Simpliste và bản Bastien et Bastienne.
Thần đồng nếu kể ra còn nhiều lắm. Chúng tôi xin nói sơ lược vài vị thôi, và lập lại rằng nếu không có kiếp luân hồi, tất không thể dựa vào đâu mà giải thích được nguyên do cái siêu năng kỳ diệu của những bực phi thường ấy.
.......

tg: Nguyễn Trung Hậu

No comments:

Post a Comment