K1 Visa : Bảo Lãnh Vị Hôn Thê/ Vị Hôn Phu
Với tỉ số ly dị rất cao ở Mỹ, nhiều người Việt Nam cũng không tránh khỏi tình trạng này. Sau khi ly dị, cơ hội để gặp gỡ nguời khác phái để tiến tới hôn nhân lần nữa xem ra khó hơn lần đầu tiên nhiều, nhất là cho những người ở những tiểu bang có ít người Việt Nam. Vì vậy, có rất nhiều người, vì lý do này hay những lý do khác, đã về Việt Nam để lập gia đình lại. Hiện nay có hai cách để đưa người phối ngẫu qua đây chung sống: bảo lãnh theo diện hôn thê/hôn phu hay bảo lãnh vợ chồng. Câu hỏi thường được đặt ra là làm cách nào tốt hơn? Đây là một số dữ kiện về vấn đề bảo lãnh theo diện fiancée.
Bảo lãnh vị hôn thê/vị hôn phu nhanh hay chậm hơn bảo lãnh vợ chồng?
Trên nguyên tắc, đơn xin bảo lãnh vị hôn thê/hôn phu sẽ được giải quyết nhanh hơn bảo lãnh vợ chồng trung bình từ 3 tới 6 tháng. Bảo lãnh vợ chồng, nếu muốn được đi nhanh bằng bảo lãnh vị hôn thê/phu, phải xin thêm một loại visa nữa gọi là K-3 visa để được qua Mỹ sớm hơn. Tuy vậy, đơn xin bảo lãnh vị hôn thê/hôn phu thường bị Lãnh Sự Quán Mỹ xét gắt gao hơn; vì thế đơn bị bác cũng nhiều hơn đơn xin bảo lãnh theo diện vợ chồng. Ngòai ra, người được phỏng vấn ở Việt Nam cũng phải biết cách trả lời những câu hỏi của nhân viên phỏng vấn.
Như vậy, tôi nên chọn đường nào? Bảo lãnh theo vợ chồng hay vị hôn phu/hôn thê?
Câu trả lời tùy theo trường hợp và hoàn cảnh riêng của mỗi người. Không nhất thiết hồ sơ bảo lãnh vị hôn thê/vị hôn phu nào cũng bị bác đơn. Nếu nộp đơn đầy đủ và đúng thủ tục, bạn không sợ bị Lãnh Sự Quán từ chối cấp visa.
Tôi cần những điều kiện gì để bảo lãnh vị hôn thê/vị hôn phu?
- Bạn phải là công dân Mỹ. Nếu chỉ có thẻ xanh, bạn không có quyền bảo lãnh fiancée.
- Bạn phải có bằng chứng là hai người đã gặp nhau ít nhất một lần trong 2 năm vừa qua. Nếu lần cuối cùng gặp nhau đã trên 2 năm, bạn sẽ không hội đủ điều kiện.
- Bạn cần trình bày cho Sở Di Trú bằng chứng để chứng minh rằng đây không phải là một hôn nhân giả với mục đích là đưa người nước khác qua Mỹ sinh sống. Sở Di Trú sẽ miễn điều kiện hai người phải gặp nhau nếu bạn chứng minh được rằng có những yếu tố tôn giáo và văn hóa không cho phép hai người gặp nhau, hoặc nếu bạn chứng minh được rằng chuyện gặp gỡ là chuyện « cực kỳ khó khăn » (extreme hardship) cho bạn. Tuy nhiên, sở Di Trú rất khắt khe trong việc định nghĩa thế nào là « extreme hardship. »
- Bạn cần có đủ điều kiện tài chánh để bảo lãnh.
- Hai người phải đang được tự do để lập gia đình.
- Hai người phải làm hôn thú trong vòng 90 ngày kể từ ngày vị hôn thê/phu qua Mỹ.
Tôi đang ở Việt Nam, đã có chồng, và đã nộp đơn ly dị, tòa sẽ có phán quyết ly dị trong vòng vài tuần nữa. Trong thời gian này, tôi có quen với một người có quốc tịch Mỹ. Anh ấy có thể làm đơn bảo trợ tôi qua Mỹ theo diện fiancée hay không ?
Không. Chỉ khi nào bạn đã có phán quyết tối hậu của tòa về chuyện ly dị của bạn, Sở Di Trú mới xét đơn xin visa của bạn.
Tôi qua Mỹ theo diện fiancée, tôi có được phép rời nước Mỹ rồi trở lại nước Mỹ trước khi làm thủ tục bảo lãnh hay không ?
Bạn có quyền rời nước Mỹ bất cứ lúc nào, nhưng với visa fiancée, bạn không được phép trở lại Mỹ. Nếu qua đây theo diện fiancée, và muốn du lịch ngòai nước Mỹ, bạn phải nộp đơn xin giấp phép du lịch, gọi là Advance Parole (I-131). Thông thường, đơn này nộp cùng lúc với đơn xin thẻ xanh. Advance Parole thường được cấp trước thẻ xanh, cho phép bạn du lịch ngòai nước Mỹ trong khi chờ có thẻ xanh.
Tôi qua Mỹ bằng visa fiancée, tôi chưa kịp kết hôn vì nhiều lý do, và tôi trở về Việt Nam trước khi visa của tôi hết hạn. Tôi có thể xin trở lại Mỹ theo diện fiancée lần nữa không ?
Được. Nếu bạn ở lại Mỹ trong thời hạn visa cho phép rồi trở lại Việt Nam, bạn có thể qua Mỹ lần nữa bằng một visa dành cho người fiancée, do chính người fiancée cũ của bạn nộp đơn xin thêm
một lần nữa. Trong trường hợp sau đó bạn đổi ý, có một người fiancée khác bảo lãnh, bạn vẫn có thể qua Mỹ lần nữa, miễn là đơn của bạn nộp có đầy đủ những điều kiện đòi hỏi của sở di trú.
Người fiancée của tôi qua tới Mỹ, ở với tôi vài bữa rồi đi mất, chưa làm giấy hôn thú. Nếu tôi tố cáo việc này lên Sở Di Trú thì sao?
Nếu Sở Di Trú có đủ bằng chứng là người này lường gạt bạn và Sở Di Trú để được qua Mỹ, người này sẽ không thể xin được thẻ xanh trong tương lai, và có thể bị trục xuất khỏi Mỹ.
Tôi từ Việt Nam qua Mỹ theo diện fiancée. Nhưng sau khi qua đây mấy tuần, chúng tôi không hợp nhau và quyết định không kết hôn. Tôi có được ở lại Mỹ hay không?
Không. Bạn phải trở lại Việt Nam khi visa bạn hết hạn. Dù sau này bạn kết hôn với một người chồng/vợ mới có quốc tịch Mỹ, Sở Di Trú vẫn yêu cầu bạn phải trở về Việt Nam trong khi xét đơn bảo lãnh do người chồng/vợ mới đứng tên bảo trợ, trừ khi bạn có lý do chính đáng để xin Sở Di Trú cho phép bạn ở lại Mỹ trong thời gian xét đơn.
Tôi được bảo lãnh theo diện fiancee, nhưng sau khi qua đây, chúng tôi không làm hôn thú trong vòng 90 ngày như luật ấn định. Bây giờ chúng tôi quyết định làm giấy hôn thú, nhưng visa của tôi đã hết hạn, tôi phải làm gì ?
Cách giải quyết tùy vào nhiều yếu tố. Bạn nên cần gặp một luật sư di trú để giúp bạn ở lại.
Tôi đã được cấp visa qua Mỹ theo diện fiancée và tháng tới sẽ đáp chuyến bay qua Mỹ. Tôi có con 15 tuổi. Cháu không thể đi chung với tôi qua Mỹ vào tháng tới. Như vậy, cháu có thể đi riêng sau này một mình được không ?
Được, nếu cháu có tên trong giấy tờ bảo lãnh từ đầu, và cũng đuợc cấp visa cùng với bạn . Tuy nhiên, cháu phải qua Mỹ trong vòng 1 năm kể từ ngày bạn qua Mỹ. Nếu trên một năm, bạn phải xin một visa khác cho cháu, và sẽ mất nhiều thời giờ.
Nếu hồ sơ xin bảo lãnh vị hôn thê/hôn phu bị Lãnh Sự Quán từ chối, tôi phải làm gì?
Nếu hồ sơ bị Lãnh Sự Quán từ chối cấp visa, hồ sơ của bạn sẽ được trả lại Sở Di Trú (USCIS). Sở Di Trú sẽ trả lại hồ sơ cho bạn. Thông thường, thủ tục này kéo dài cả năm cho tới khi bạn được hoàn trả lại hồ sơ. Khi vừa nhận được thông báo là đơn xin visa của bạn bị bác, bạn có quyền khiếu nại ngay với Lãnh Sự Quán cũng như với Sở Di Trú. Bạn cũng có quyền cung cấp thêm chứng cớ để chống lại những lý do Lãnh Sự Quán từ chối visa. Lúc này bạn nên làm giấy hôn thú, rồi nộp đơn xin bảo lãnh theo diện vợ chồng.
Khi vị hôn thê của tôi qua tới Mỹ, tôi cần làm gì?
Trong vòng 90 ngày, bạn phải làm giấy hôn thú. Sau đó phải nộp đơn bảo lãnh vợ chồng và xin thẻ xanh. Bạn cũng nên tham khảo một văn phòng luật di trú để biết phải chuẩn bị giấy tờ ra sao để sau này không gặp khó khăn khi đi phỏng vấn xin thẻ xanh. Trường hợp « tình ngay lý gian » vẫn thường xảy ra, và chúng tôi biết nhiều cặp vợ chồng bị bác đơn rất oan uổng, rồi phải khiếu nại với Sở Di Trú rất tốn kém.
Tôi qua Mỹ theo diện fiancée, tôi có được phép làm việc tại Mỹ hay không ?
Một trường hợp rất ít khi xảy ra là nhân viên di trú ở phi trường đóng dấu visa cho phép bạn làm việc khi bạn vào Mỹ với fiancée visa. Nhưng giấy phép này cũng chỉ kéo dài 90 ngày. Ngòai trường hợp này, khi bạn qua đây với diện fiancée, nếu muốn đi làm, bạn phải nộp đơn xin giấy phép cho đi làm (gọi là Employment Authorization Document hay EAD card). Giống như giấy phép đi du lịch (Advance Parole), bạn nên nộp chung đơn xin đi làm cùng với đơn xin thẻ xanh. Thông thường, bạn sẽ nhận được thẻ cho phép đi làm trước khi nhận được thẻ xanh.
Đây chỉ là một số kiến thức tồng quát về những vấn đề liên quan đến bảo lãnh thân nhân, không phải cố vấn luật pháp. Mọi thắc mắc và tham khảo miễn phí về vấn đề luật pháp, xin liên lạc với văn phòng luật sư Trần Khánh Hưng (David K. Tran), số điện thoại (714) 839-4077, hay Email davidtran@dktran.com, hoặc gửi thư đến Law Offices of David K. Tran, 15446 Brookhurst Street, Westminster, CA 92683
No comments:
Post a Comment