Search This Blog

Wednesday, July 25, 2012

Lật lại vụ ám sát của đặc công Triều Tiên nhằm vào TT Hàn Quốc


Hãng tin AP đưa tin, Tổng thống Lee Myung-bak đã chính thức thăm Myanmar vào hôm nay (14-5), chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Hàn Quốc kể từ âm mưu ám sát của các đặc công Triều Tiên gần 30 năm trước.
Một tuyên bố từ văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho hay ông Lee bay tới thủ đô Naypyitaw đầu tiên để gặp gỡ Tổn thống Myanmar Thein Sein trong khuôn khổ chuyến thăm kéo dài 2 ngày nhằm tăng cường quan hệ giữa 2 quốc gia châu Á.  

Năm 1983, Tổng thống Hàn Quốc khi đó là Chun Doo-hwan bị ám sát hụt trong chuyến thăm Myanma để tưởng niệm Tướng Aung San, người anh hùng giải phóng dân tộc Myanmar.
 Vụ đánh bom năm đó đã khiến 21 người thiệt mạng, 17 trong số đó là người Hàn Quốc, bao gồm 4 bộ trưởng nội các và đại sứ Hàn Quốc. Tổng thống Chun bình an vô sự vì ông bị tắc đường và đến muộn vài phút.
3 mật vụ Triều Tiên đã bị bắt vì vụ tấn công. Một người trong số họ đã cho nổ tung mình trong khi đang bị bắt giữ, người thứ 2 bị treo cổ trong nhà tù và người thứ 3 chết trong nhà tù Insein ở Yangon năm 2008.

Sau vụ đánh bom, Tổng thống Ne Win đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Triều Tiên, nhưng mối quan hệ này được phục hồi năm 2007.
Những vụ xung đột giữa quân đội hai miền Triều Tiên:
Ngày 21/1/1968: Đặc công Triều Tiên đột kích dinh Tổng thống Hàn Quốc nhằm sát hại Tổng thống khi đó là Park Chung-Hee. Khi chỉ còn cách Nhà Xanh 800m, toàn bộ 32 đặc công bị giết hoặc bắt. Thông tin chi tiết về vụ xử lý đó đến nay vẫn còn là bí ẩn.
Ngày 15/8/1974: Một điệp viên Triều Tiên nổ súng về phía Tổng thống Park khi ông đang phát biểu. Điệp viên bắn trượt và viên đạn nhắm đúng vào phu nhân Tổng thống và bà thiệt mạng.
Ngày 9/10/1983: Các điệp viên của Triều Tiên cho nổ tung một địa điểm tại Myanmar ngay trước khi Tổng thống Hàn Quốc Chun Doo-hwan đến thăm. Hậu quả là bốn Bộ trưởng Hàn Quốc cùng 16 người khác mất mạng.
Ngày 29/11/1987: Toàn bộ 115 người trên một chiếc máy bay của Hàn Quốc thiệt mạng khi một quả bom do điệp viên Triều Tiên cài đặt phát nổ.
Tháng 9/1996: Một tàu ngầm của Triều Tiên đưa đặc công vào bờ biển của Hàn Quốc, châm ngòi cho một chiến dịch săn lùng quy mô lớn. Tuy nhiên, 24 người trong số họ phải bỏ mạng, trong đó 11 người tự sát.
Ngày 15/6/1999: Quân đội hai nước đối đầu trên khu vực biển Hoàng Hải. Đây được coi là cuộc xung đột trực diện đầu tiên của hải quân hai nước kể từ khi chiến tranh kết thúc, với 20 người thủy thủ Triều Tiên thiệt mạng do một thuyền bị chìm.
Ngày 29/6/2002: Một tàu Hàn Quốc chìm trên biển Hoàng Hải, khiến 6 thủy thủ thiệt mạng. Vụ này diễn ra trong thời gian Hàn Quốc đang là đồng chủ nhà World Cup. Ước tính 13 người của phía Triều Tiên cũng mất mạng.
Ngày 10/11/2009: Hải quân hai nước đọ súng trên biển Hoàng Hải. Cuối cùng phía Triều Tiên phải rút lui do chiếc tàu bốc cháy. Thiệt hại về người sau đó không được công bố.
Ngày 26/3/2010: Một vụ nổ xảy ra trên tàu hải quân Cheonan của Hàn Quốc, con tàu vỡ đôi và chìm khiến 46 thủy thủ thiệt mạng.
Ngày 20/5/2010: Kết quả cuộc điều tra đa quốc gia cho thấy tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc bị một quả ngư lôi phóng từ tàu ngầm của Triều Tiên tấn công.
Ngày 24/5/2010: Hàn Quốc đình chỉ mọi hoạt động thương mại với Triều Tiên và cấm mọi tàu thuyền của Bình Nhưỡng hoạt động tại lãnh hải của Seoul.
Ngày 29/10/2010: Quân đội hai miền đọ súng tại biên giới, châm ngòi căng thẳng ngay trước thềm hội nghị G-20 tại Thủ đô Seoul.
Ngày 23/11/2010: Triều Tiên “dội pháo” về phía Hàn Quốc. Sau đó hai bên có cuộc đấu súng căng thẳng và Seoul cũng phải huy động máy bay chiến đấu F-16 đến vùng chiến sự. Thông báo mới nhất của phía Hàn Quốc cho thấy, ít nhất một binh sĩ thiệt mạng và ba người khác bị thương nặng.
Theo Telegraph/ AP/AFP

No comments:

Post a Comment