Search This Blog

Thursday, November 24, 2011

TRẬN CỔ THÀNH QUẢNG TRỊ NĂM 1972 , NHÌN TỪ HAI PHÍA (BÀI 1) .


NGUỒN :http://www.vnmilitaryhistory.net
A/ TỪ CÁC CỰU CHIẾN BINH (CCB) QUÂN ĐỘI CS BẮC VIỆT :
1/ Thời chúng tôi ở Quảng Trị, địch có rất nhiều loại vũ khí mà địch dội lên đầu lính ta. Ở đây, 1972, thì không kích chỉ có máy bay Mỹ gồm "pháo đài bay B52" bay cùng với "thần sấm" hoặc "con ma". Thám sát trên không thì có OV-10 và L19. Khi phát hiện thấy mục tiêu, OV-10 nhào xuống bắn pháo khói để chỉ thị mục tiêu đồng thời gọi F4 hay F5 đến thả bom. Tôi thấy Hải quân Mỹ thường dùng F4 thả bom vào mục tiêu hoặc bắn tên lửa. L19 bay rất cao, thường là trinh sát toàn bộ tuyến, ít trực tiếp gọi máy bay đánh mục tiêu ngay lúc đó. Có thể sau đó, khi bay về căn cứ, thông tin mới được xử lý rồi mới đánh bom "tọa độ".

       Pháo Mỹ chỉ có "pháo biển". Đây là pháo 203 ly. Pháo này cũng bắn theo kiểu "tọa độ". Bọn này thường bắn với các điểm tác xạ khá thưa nhau. Không biết các ae khác thế nào nhưng một số anh em và tôi có thể nghe được tiếng nổ đầu nòng của bọn này. Đang đi bình thường mà nghe tiến "cùng . . . cùng. . ." rất xa từ hướng đông là lăn ngay xuống các hố bom pháo cũ. Có thể đạn nổ gần chỗ mình nhưng cũng có thể nó đang bắn chỗ khác rất xa

       Bọn ngụy thì có đủ các loại pháo từ 175 ly "vua chiến trường" đến pháo lựu 155 ly và nhiều nhất là pháo nòng dài 105 ly. Phải nói là bọn này chơi pháo 105 rất khá, bắn chính xác với nhiều bài bắn khác nhau. Từ trên các điểm cao, trinh sát pháo của chúng có thể gọi pháo bắn vào bất cứ điểm nào, gần như được đáp ứng ngay lập tức. Bọn pháo binh có bản đồ riêng, bọn tôi vẫn gọi là "bản đồ pháo binh". Trên đó thường có các tọa độ và vật chuẩn được đánh số sẵn, gì gì đó, tôi không biết sử dụng như thế nào nhưng biết rằng với bẳn đồ căn sẵn các vật chuẩn và tọa độ như vậy thì khi được yêu cầu, lấy phần tử bắn sẽ rất chuẩn. Không chỉ trinh sát pháo mà chỉ huy bộ binh từ cấp đại đội trở lên cũng có thể gọi pháo. Bọn "dù" và "thủy quân lục chiến" lại có pháo riêng. Chúng hợp đồng tác chiến với bộ binh rất nhanh và bắn chính xác.
« Sửa lần cuối: 17 Tháng Chín, 2010, 09:04:52 AM gửi bởi TichTuongNhuLe »

"...Khi phát hiện thấy mục tiêu, OV-10 nhào xuống bắn pháo khói để chỉ thị mục tiêu đồng thời gọi F4 hay F5 đến thả bom. Tôi thấy Hải quân Mỹ Thường dùng F4 thả bom vào mục tiêu hoặc bắn tên lửa. L19 bay rất cao, thường là trinh sát toàn bộ tuyến, ít trực tiếp gọi máy bay đánh mục tiêu ngay lúc đó. Có thể sau đó, khi bay về căn cứ, thông tin mới được xử lý rồi mới đánh bom "tọa độ"."

Chiến thuật của các trận oanh kích của địch là: dùng các phương tiện(Máy bay trinh sát, cây nhiệt đới, thám báo) để phát hiện mục tiêu, sau đó xác định tọa độ cho pháo hạm, b52 hoặc không quân chiến thuật tiêu diệt mục tiêu đó.
OV10, L19 là các lọai máy bay trinh sát thực địa, nếu phát hiện mục tiêu, hoặc chỉ nghi ngờ, chúng sẽ dùng pháo khói để chỉ thị mục tiêu cho máy bay ném bom.
 Nếu phát hiện nơi trú đóng của ta( ví dụ trinh sát kỹ thuật phát hiện đài phát 15w chẳng hạn, hoặc bãi trú quân, trận địa phòng ngự , trận địa pháo không ngụy trang chu đáo) thì chúng sẽ xác định tọa độ trên bản đồ, tính toán ra phần tử mục tiêu cho pháo bắn, hoặc tọa độ đó dùng cho không quân ném bom oanh tạc(thế mới có tên là ném bom tọa độ) nhiều khi địch nghi ngờ một khu vực sẽ có quân ta thì chúng sẽ xác định tạo độ khu vực đó, bất ngờ ném bom mà không cần biết khu vực đó có quân ta hay không, thủ đoạn cũng tương tự như "pháo đĩ" vậy.

Vấn đề sử dụng pháo binh thì giữa ta với địch cũng có điểm tương đồng về kỹ thuật nhưng khác về chiến thuật
.riêng việc gọi pháo bắn của địch thực ra cũng đơn giản, có nhiều cách để có thể có phần tử bắn nhanh, tên tiền sát viên(cách gọi của địch cho người gọi, sửa bắn) chấm sẵn tọa độ vào khu vực chiến đấu, có vài điểm chuẩn như vậy và khi phát hiện mục tiêu, nó sẽ căn cứ điểm chuẩn mà gọi pháo bắn vào .
Pháo ca non-lựu 105 là loại thông dụng nhất trên chiến trường vì nó dễ sử dụng, gọn nhẹ, cả ta và địch đều sử dụng loại này thành thạo như nhau, các cụ ngày xưa đánh ĐBP toàn loại này.


2/ CCB BẤT MẢN VÌ TỔN THẤT QUÁ NẶNG VÌ GIỬ CỔ THÀNH QUẢNG TRỊ :

Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc khác hẳn cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc .  trong CT Bảo vệ Tổ quốc bỏ trận địa là mất lãnh thổ do đó dù phải hy sinh đến người cuối cùng vẫn phải giữ cho được đất của cha ông để lại , nhưng trong chiến tranh giải phóng có thể đánh mục tiêu này bỏ mục tiêu khác mà không bị câu thúc về thời gian , có thể "làm lại "nếu thấy cần ...
 Nghe nhiều chuyện kể , đọc ký ức của các CCB thành cổ , viếng nghĩa trang đường 9 trong đầu tôi luôn lởn vởn câu hỏi : Tại sao mình chấp nhận hy sinh ,tổn thất quá lớn như vậy chỉ vì mấy KM vuông thành cổ ??
  Vì ý nghĩa chiến lược của thành cổ ; nó quyết định cái gì ??
  Vì ý nghĩa chính trị: có cần thiết không ?/
 Tôi cũng đã nghe một người có trách nhiệm kể lại có người chỉ huy  (có tầm cỡ ,tên tuổi ) xin trên cho rút ra nhưng không được ,ông đã khóc . Người chỉ huy chiến dịch này quyết thí mạng lính vì cái gì.. .vì dốt , vì danh , vì sợ cấp trên nữa ??
Cho đến bây giờ vẫn chưa có ai đủ dũng cảm để phân tích nói lên sự thật thời đó
 Có gì lệch lạc xin mo cứ xóa

Không phải chỉ người chỉ huy chiến dịch.
Lúc đấy tôi nhớ có nhiều "truyền đơn" (không rõ có phải ta gọi thế không) phía bên ta. Chi tiết tôi không nhớ hết, nhưng chắc chắn nhớ như in "Bộ chính trị, quân ủy trung ương" ... "quyết bảo vệ thị xã Quảng Trị". Ở giữa không nhớ có phải gì đó như "chỉ thị", hay "... trung ương, cùng toàn quân quyết bảo vệ thị xã Quảng Trị" ...

Về sau có nhiều tranh luận khi đó chúng ta "phòng ngự chiến thuật" hay "phòng ngự bị động".


3/ ĐÂY LÀ ĐOẠN HỒI KÝ CỦA BÁC NGUYỂN HỬU AN (MỘT TƯ LỊNH SĐ ĐẢ THAM CHIẾN Ở Q.TRỊ)  về chiến thuật phòng ngự của ta tại Quảng Trị - theo tôi chắc cũng có vấn đề về chiến thuật chưa đúng chăng.

------
Lúc này lực lượng của toàn mặt trận gồm các sư đoàn 320, 304 và 308, hầu như đấu lưng với nhau để giữ vững khu vực Thành Cổ - Quảng Trị. Giữ một đống gạch vụn, không dân, không có ý nghĩa gì về chiến thuật, chiến lược quân sự, nhưng lại rất có ý nghĩa chính trị trên bàn ngoại giao ở Pa-ri.

   Nắm tình hình đơn vị xong, đêm hôm ấy tôi trao đổi suy nghĩ của mình về chủ trương của mặt trận (28-6) "chuyển từ tấn công sang chiến dịch phản công tiêu diệt địch giữ vững vùng giải phóng. Đánh bại cuộc hành quân của địch, phát triển tấn công vào thời cơ có lợi".
Tôi đặt câu hỏi: tại sao ta từ tấn công lại chuyển sang phản công?

    Tôi liên tưởng tới chiến dịch Cánh Đồng chum, chỉ khác ở đây về quy mô và cường độ, còn cái ruột diễn biến, gần giống nhau. Cũng lúc đầu chiến thắng ào ạt, tiến rất nhanh vào hậu phương địch bỏ trống vùng mình vừa giải phóng. Lực lượng của ta xa hậu phương đánh liên tục không kịp bổ sung, càng chiến đấu càng yếu. Địch có phương tiện cơ động nhanh. Sau cú đầu choáng váng chúng đã hồi phục, liền cơ động về phía sau ta, và chiếm lại vùng đã mất. Đáng lý với lực lượng chừng ấy ta chỉ phát triển tới sông Mỹ Chánh, dừng lại chuyển sang củng cố khu vực đã chiếm.

   Trước mắt quân ta lúc này là sư đoàn dù, sư đoàn lính thủy đánh bộ và sư đoàn bộ binh số 1 nguy, được yểm trợ bằng hỏa lực mạnh của không quân và pháo của hạm đội 7 Mỹ. Về phía ta, sư đoàn 308 đã mất sức chiến đấu, quân số của một đại đội chỉ còn 20 đến 30 người là cùng. Gạo, đạn tiếp tế kiểu ăn đong. Tôi nhớ, ngay lúc tới đây đã nghe cán bộ hậu cần phàn nàn: "Hậu cần mặt trận tiếp cho sư đoàn một số đạn pháo 105, hậu cần của "304" đã nẫng tay trên". Các sư đoàn 304 và 320, tình hình chung không khác gì sư đoàn 308.

   Sự so sánh này rõ ràng là địch "ăn hiếp" ta. Tôi còn gợi ý: ta có nên chuyển vào phòng ngự chăng?

   Tất cả sự đánh giá tình hình, anh Hồng Sơn đều đồng ý nhưng tới việc chuyển vào phòng ngự, anh im lặng không tỏ thái độ.

   Ngày hôm sau tôi lại mang nội dung ấy để trao đổi với chính ủy Hùng Phong, khi tôi nói "nên chuyển sang phòng ngự", Hùng Phong không nhất trí.

   Khoảng hơn 11 giờ khuya tôi cầm tổ hợp định gọi chủ nhiệm trinh sát, nghe thấy có người vừa nhắc tên mình, tôi lắng nghe xem chuyện gì. Tôi nghe rõ tiếng Hùng Phong đang nói với người phía đầu dây bên kia là đại tá Lê Tự Đồng.

   - Vâng - Hùng Phong nói - anh hữu An tỏ ra không thông với chủ trương của Quân ủy Trung ương, nhất là ở thời điểm này... Dạ ... ý của anh ấy muốn chuyển sang phòng ngự.

   Anh Lê Tự Đồng nói:
   - Tôi đã cùng anh An sống với nhau ở một đơn vị. Anh ấy là người chỉ huy có trình độ vững vàng, mọi ý kiến đều có suy nghĩ với tinh thần trách nhiệm. Theo tôi, ý kiến của anh ấy, ta phải lắng nghe và trân trọng nghiên cứu.

   Nghe tới đó tôi đặt tổ hợp xuống, và suy nghĩ về những điều mình vừa tình cờ nghe được. Ngay sáng hôm sau tôi nói thẳng với Hùng Phong điều mình nghĩ:
   - Tớ tình cờ nghe được - tôi nói - chuyện đêm qua cậu phản ảnh với cấp trên. Vấn đề đó để mình suy nghĩ tiếp, tự mình sẽ làm báo cáo lên trên.

   Sau đó một tuần tôi đã báo cáo cho anh Song Hào những đánh giá tình hình của tôi và kiến nghị; tôi biết anh Song Hào có đưa báo cáo của tôi cho cơ quan nghiên cứu và báo cáo lại với anh.
Hàng nửa tháng liền, không mấy ngày được nắng ráo; nhiều trận mưa kéo dài, trong hầm hào lúc nào cũng ngập ngụa bún nước. Sư đoàn tôi vẫn giữ vững tuyến ngã ba Long Hưng, khu tam giác Đệ Ngũ, đồn Gia Long, La Vang, Phước Môn, Tân Téo, Như Lệ, Tích Tường. Ngày đêm bom B.52, pháo mặt đất, pháo hạm của địch dội xuống ác liệt. Anh em phải chiến đấu trên tục, không có thời gian làm công sự, phần lớn các phân đội mới làm được hố bắn và chiến hào ngắt quãng. Công sự mỏng yếu nên số thương vong vì bom, pháo tăng lên. Chiến đấu kéo dài liên tục trong ác hệt và mưa gió lầy lội, nên sức khỏe bộ đội giảm sút, ảnh hưởng nhiều tới sức chiến đấu. Tôi nhắc các đơn vị trong nhiệm vụ "phản công" phải chú ý các trận địa chốt và lực lượng dự bị phải có công sự chống đỡ được bom pháo địch, ý muốn nói phòng ngự giữ địa bàn nhưng không hề đả động đến hai chữ “phòng ngự”... Nhiều cán bộ chỉ huy không thông với lệnh "phản công" và cho rằng: dừng lại phòng ngự thì giữ được đất và đỡ thương vong, nhưng họ sợ nói ra điều đó lúc này sẽ bị "quy chụp" cho là "dao động không có tư tưởng tiến công“.

   Trong đầu tôi không ngày nào dứt ra khỏi câu hỏi: “Tại sao khi ta thất thế trong tấn công, không chuyển sang phòng ngự? Tại sao lại phản công...?".

   Một đêm, đã khuya lắm rồi, tiếng chuông điện thoại reo, tôi nhấc ống nghe và áp vào tai, nghe tiếng Nghi Lộc chọ chẹ của đại tá Hoàng Đan trong máy, tôi rất mừng. Trong lúc này có bạn tri kỷ để tâm sự, còn gì quý bằng, nhất là gặp cây tiếu lâm này chắc sẽ có nhiều chuyện vui.

   Hoàng Đan hỏi:
   - Có thiếu thốn gì không? Chắc đi đường tới đây thì mọi thứ cạn láng rồi phải không? Thiếu đường, thuốc lá mình gửi cho.

   Tôi nói vui:
   - Ở đây cái gì cũng thiếu. Có hảo tâm, cứ viện trợ đừng hỏi.
   - Ông vào đây cả tuần rồi, đã hiểu chiến thuật Quảng Trị chưa?
   - Chiến thuật gì?
   - Chiến thuật "ba chưa, một ngay".
   - Thế là cái gì, mình chưa biết.
   - Ba chưa là: thứ nhất, chưa nắm được địch; thứ hai, chưa nắm được địa hình; ba là, chưa có quân bổ sung, chưa có gạo, đạn. Còn một ngay, nghĩa là '"phải đánh ngay“.

   Tôi cười to sảng khoái:
   - Nghe cái chiến thuật lạ tai đấy.

   Sau vài câu nói vui, chúng tôi trao đổi vào công việc nghiêm túc. Tôi hiểu ý Hoang Đan cũng chưa thông với tư tưởng “phản công" vào lúc này.

   Vài tối sau vào giờ khuya, Hoàng Đan lại gọi điện nói chuyện với tôi. Anh tỏ thái độ tâm đắc việc đánh giá tình hình, và chọn cách đánh của tôi nói chuyện lần trước. Anh nói:
   - Tình hình này rõ ràng là địch đã giành được quyền chủ động, chúng đang uy hiếp ta, ta chuyển sang phản công tiêu diệt địch là điều hơi khó. Nếu ta chuyển hẳn sang phòng ngự chặn đứng được địch, giữ vững được vùng giải phóng là giỏi rồi. Mình thấy cán bộ trong sư đoàn cũng có ý nghĩ ấy, nhưng không dám nói.

   Tôi tỏ ra vui mừng vì Hoàng Đan đã cho tôi lượng thông tin có ích. Tôi nói:
   - Mình cân nhắc thêm. Thế nào mình cũng sẽ điện lên trên những suy nghĩ đã trao đổi với nhau.

   Ngay hôm sau tôi bắt tay viết bức điện gửi ra Cục tác chiến, nhờ đại tá Cục trưởng Vũ Lăng chuyển cho đại tướng Võ Nguyên Giáp (đồng gửi B5). Nội dung bức điện đó có đoạn viết: “Tôi thấy nó giống chiến dịch “Z”… Chỉ khác không gian, thời gian, quy mô và cường độ. Tôi thấy không nên ham tấn công mà nên chuyển vào phòng ngự. Ở đây công tác chỉ đạo, chỉ huy vẫn ham tấn công và phản công, trong tình thế địch mạnh hơn đang ăn hiếp ta; lực lượng ta đã suy giảm và đang rơi vào bị động. Tôi nghĩ rằng: sức ta yếu hơn địch, ta chuyển vào phòng ngự là cần thiết. Nhưng ở đây hễ nói tới phòng ngự thì cấp trên lại cho rằng đó là tư tưởng hèn nhát thụ động, như vậy là không đúng với tình hình thực tế. Đề nghị với Bộ quyết tâm dứt khoát chuyển vào phòng ngự. Tình hình này ta muốn tiêu diệt gọn một tiểu đội, một trung đội cũng khó”.

   Sau Hiệp định Pa-ri tôi về Hà Nội, ghé thăm anh Văn. Nói lại chuyện gay go giữ thành Quảng Trị, anh Văn thân mật hỏi:
   - Nếu tôi cho cậu chuyển sang phòng ngự, cậu có giữ được không?

   Tôi nói:
   - 100% thì không được, chứ 90% đến 95% có thể bảo đảm giữ được.
   Tôi tìm hiểu tình hình ta trong Thành Cổ. Phương thức tác chiến không dứt khoát, theo lệnh “phản công tiêu diệt sinh lực địch” để giữ thành, nên không có công sự trận địa phòng ngự chu đáo. Hỏa lực của địch gồm hàng trăm nòng pháo, hàng ngày trung bình 35 đến 40 lần chiếc B.52 bắn phá, thả bom, chủ yếu gây thương vong cho ta trong Thành Cổ. Quân số chiến đấu của ta trong Thành Cổ mỗi ngày tiêu hao không ít. Nhiều chiến sĩ đưa vào bổ sung, chưa kịp biết mặt cán bộ phân đội của mình đã thương vong hoặc mất sức chiến đấu.
……………….

(CÒN TIẾP) 

No comments:

Post a Comment