Search This Blog

Saturday, November 17, 2012

Đôi chân kỳ diệu của cậu bé chưa một lần đi học

Dưới đây là phiên bản cache tại địa chỉ: http://vietnamnet.vn/xahoi/201008/Doi-chan-ky-dieu-cua-cau-be-chua-mot-lan-di-hoc-929155/
- Hai mươi tuổi, Tô Văn Dũng vẫn không một lần được đến lớp. Cậu bé mang di chứng da cam với thân hình co quắp, hai cánh tay quặp hẳn vào người vẫn không chịu khuất phục số phận. Không biết hết mặt chữ nhưng hằng ngày em vẫn cặm cụi bên chiếc máy tính cũ với những thao tác thành thạo bằng ngón chân để tạo nên những sản phẩm của chính mình.

Nỗi đau mang tên “da cam”

Tô Văn Dũng (huyện Đông Anh, Hà Nội) ra đời vào một chiều mùa hạ cháy nắng năm 1990. Khi ra đời, Dũng nặng chưa đầy 1,5 kg, toàn thân mềm oặt, phải nuôi trong lồng kính 1 tháng ròng. Đến 4 tuổi, cơ thể cậu bé vẫn "mềm như sợi bún". Em chỉ nằm nguyên một chỗ, không thể cử động được.

Một lần, em tự mình lật người rồi cố gắng ngồi dậy theo bản năng của một đứa trẻ. Từ đó, chân tay em bắt đầu cứng cáp lên. Nhưng toàn thân em lúc này lại cứng đơ ra, không thể vận động linh hoạt như những đứa trẻ khác.

Cánh tay dài quá khổ rồi quặp hẳn phía sau. Gương mặt biến dị, hất ngược lên trên. Em đi lại rất khó khăn bằng đôi chân gầy gò, yếu ớt. Bố mẹ lo lắng Dũng con đến bệnh viện khám mới biết em bị nhiễm chất độc da cam di truyền từ ông ngoại.
Mô tả ảnh.
Với thân hình co quắp, Dũng không thể ngồi thẳng như những đứa trẻ khác.

Chị Lan Giang, mẹ Dũng kể, những ngày chưa biết của bệnh của con, hai vợ chồng được một người cùng làng “mách” cho một thầy thuốc ở Thái Nguyên.
Có bệnh thì lạy tứ phương, anh chị lặn lội lên tìm thầy xin thuốc. Thầy dặn phải tìm cây thuốc cao tầm một gang tay, mọc ở trên vách núi cao và chỉ được hái lúc trời còn sương sớm, mặt trời chưa lên.
Cứ 3 – 4 giờ sáng, người dân trong thôn lại thấy hai vợ chồng mò mẫm lên núi hái thuốc về sắc với hi vọng mong manh chữa được khỏi bệnh cho con. Chị trầm ngâm nhớ lại: “Có hôm đi qua 2, 3 quả đồi cũng không tìm được thuốc, tôi thương con quá, vừa đi tìm vừa rơi nước mắt. Nhưng chữa chạy nhiều, mà bệnh tình chẳng thuyên giảm gì cả”. Nói rồi, chị lấy tay quệt những giọt nước mắt lăn dài xuống má.

Càng lớn, thân thể Dũng càng trở nên biến dạng. Hai cánh tay dài ngoằng lại ngoặt ra phía sau khiến em rất khó khăn khi sinh hoạt, lúc ngủ em cũng phải nằm nghiêng một bên. Có lần mỏi người quá, em nhổm dậy bảo mẹ: “Mẹ ơi, cắt phứt cái đoạn thừa thãi này cho con đi, khổ lắm”.
May mắn đến với Dũng và gia đình, năm 2007, một tổ chức xã hội của Pháp biết tin đã tiến hành mổ tay miễn phí cho em. Ca mổ thành công, cánh tay em đã quay về phía trước nhưng chỉ một năm sau đó lại quay về vị trí ban đầu.
8 năm sau, chị Giang mang thai đứa con thứ hai. Hai vợ chồng lo lắng đến mất ăn mất ngủ: “Hôm lên bàn sinh, vừa sinh xong, tôi đã nhỏm dậy hỏi ngay bác sỹ xem cháu có thiếu tay chân gì không. Khi nghe cháu hoàn toàn khỏe mạnh, tôi mới thở phào nhẹ nhõm” - chị kể.
Từ khi có em, Dũng cũng cố gắng không làm phiền nhiều đến bố mẹ. Những hôm lên lớp (chị Giang là giáo viên), chị khóa cửa để Dũng ở nhà một mình. Hàng ngày, những sinh hoạt cá nhân như tắm rửa, thay quần áo… chị đều làm hộ con. Để không phiền đến mẹ, Dũng cố gắng… dùng chân để sinh hoạt.

Có lần, chị đi Giang làm về đứng ngoài cánh cửa nhìn Dũng dùng chân gắp chiếc bánh đút lên miệng ăn, lưng em gò xuống cố đưa cái bánh vào miệng nhưng chiếc bánh rơi xuống đất lăn ra xa. Em lại dùng chân lết lại cố gắp chiếc bánh lên. Người mẹ tội nghiệp nhìn thấy cảnh đó đã phải gạt nước mắt xót xa. Nhưng lần nào được mẹ đút cơm cho ăn, Dũng đều dùng chân giành lấy thìa, quắp lấy và tự xúc ăn.

Dù mang trong mình nhiều dị tật nhưng Dũng lại rất biết nghĩ. Lúc ăn cơm, em thường ngóng xem nếu thấy nồi cơm đã vơi đi nhiều thì sẽ bỏ bát không ăn nữa. Có hôm được mẹ gội đầu cho, em thỏ thẻ hỏi xem mẹ đã hết tiền chưa. Chị Giang bảo: “Những lúc nghe con nói thế lòng người mẹ nào mà không xúc động”.

Sự hồi sinh kì diệu từ chiếc máy tính cũ

Niềm đam mê vi tính của Dũng được bắt đầu từ chiếc máy tính cũ mà mẹ mua về để phục vụ việc soạn giáo án. Chỉ sau một thời gian ngắn làm quen, Dũng đã hoàn toàn bị chiếc máy tính thu phục. Mẹ em kể: “Mới đầu chưa quen, Dũng thường xuyên làm hỏng máy. Tôi thường xuyên phải chở case đi sửa. Đến khi anh thợ đành phải chịu, tôi lại nhờ một thầy giáo về CNTT xem xét lỗi hỏng nhưng vẫn không được. Dũng tiếc lắm, nó ngồi thừ ra rồi bắt đầu dùng chân mở tung ra tất cả mọi thứ ra sửa. Không ngờ, cháu lại sửa được”.
Mô tả ảnh.
Hí hoáy sửa thành công chiếc điện thoại bị hỏng của ông ngoại

Dũng lấy máy điện thoại của mẹ, chụp ảnh các em họ rồi đưa vào máy làm ảnh động, ghép nhạc, ghép hình nền rồi mày mò làm đĩa CD. Thấy sản phẩm của Dũng rất hay, nhiều người đề nghị trả cậu tiền để làm đĩa thuê. Nhưng vợ chồng chị Giang không đồng ý vì sợ Dũng làm cố, ảnh hưởng tới sức khoẻ. Dù không biết hết mặt chữ, không một ai hướng dẫn em vẫn tự lập hòm thư của riêng mình. Những lúc nhận được thư kết bạn, em đều nhờ mẹ đọc hộ.

Có cô giáo trong trường của chị Giang đi thi giáo viên dạy giỏi phải dùng máy chiếu đã đến nhờ Dũng làm đĩa hộ để đi dự thi. Dũng mày mò cả đêm mà không một chút mệt mỏi. Từ đó, lần nào trường chị cần làm đĩa hay các phần mềm ứng dụng, chị đều đưa về cho Dũng làm hộ. Nhìn con mải mê làm hai vợ chồng rất vui nhưng chị không dám nhận về nhiều sợ em mệt.

Dũng úp bàn chân phải lên con chuột, các ngón chân thành thạo trong từng thao tác điều khiển chuột. Cậu mở phần mềm Photoshop, xử lý ảnh, mở đĩa CD cho chúng tôi xem sản phẩm của mình. Tất cả thao tác ấy cậu đều làm bằng chân, thành thạo đến lạ kỳ.

Cuốn sách ưa thích nhất của Dũng là "Các tính năng xử lý ảnh cao cấp trong Adobe photoshop". Em mày mò trên máy cả đêm. Nhìn thân hình xiêu vẹo, co quắp của Dũng miệt mài bên máy tính quá nửa đêm, mẹ em xót lòng thường xuyên phải nhắc con đi ngủ. Nhưng sự quyết tâm và nghị lực của Dũng khiến chị không nỡ cản lại.

Đồ điện tử trong nhà hỏng em đều đem ra tháo tung mọi thứ rồi hí hoáy sửa chữa thành thạo bằng đôi chân của mình. Hôm chúng tôi đến chơi, ông ngoại em than vãn chiếc điện thoại đang bị hỏng, em cũng im lặng lắp ráp, sửa lại cho ông. Sửa xong chiếc điện thoại, em mỉm cười thật tươi.

Ngày ngày, cậu bé Dũng vẫn say sưa với những phần mềm vi tính của mình. Đó là niềm vui, là cuộc sống, là thế giới của em, nơi những con người biết vượt qua bệnh tật và khao khát ước mơ được cống hiến.

  • Tú Mai – Hồng Nhung

No comments:

Post a Comment