Search This Blog

Sunday, September 23, 2012


20 năm sau, di sản âm nhạc của Michel Berger 
nguồn : RFI VIET ,  thứ sáu 10 Tháng Tám 2012 

Tác giả Michel Berger 1947 - 1992 (DR)
Tác giả Michel Berger (28 November 1947 – 2 August 1992 , tên trên khai sanh là Michel Jean Hamburger) .

Tuấn Thảo
Cách đây vừa đúng 20 năm, vào đầu tháng 8 năm 1992, ca sĩ kiêm tác giả Michel Berger đột ngột từ trần trong lúc đi nghỉ mát với gia đình ở miền nam nước Pháp. Theo lời kể của người thân, anh đột qụy do đứng tim sau khi chơi quần vợt với bạn. Michel Berger ra đi quá sớm, chỉ ở tuổi 44.
Nhân dịp 20 năm ngày giỗ của anh, nhà xuất bản Don Quichotte đã cho phát hành quyển tiểu sử mang tựa đề Quelque chose en nous de Michel Berger của nhà báo Yves Bigot. Quyển sách này lấy lại cái tựa rất quen thuộc của một bài hát nói về Tennessee Williams mà sinh thời Michel Berger đã viết cho nam ca sĩ Johnny Hallyday. Một cách bất ngờ, Michel Berger đã vĩnh viễn ra đi, để lại gần 350 ca khúc mà anh đã sáng tác cho vợ là France Gall, cho chính mình và cho nhiều nghệ sĩ khác.
Ngoài là nhà báo, tác giả Yves Bigot còn là giám đốc chương trình của đài phát thanh RTL. Thời Michel Berger còn sống, ông là giám đốc điều hành hãng đĩa Mercury, thường xuyên lui tới cặp vợ chồng nghệ sĩ France Gall - Michel Berger. Do vậy mà quyển sách tiết lộ nhiều chi tiết hấp dẫn, vén màn hậu trường sân khấu. Chẳng hạn như France Gall và Michel Berger đã gặp nhau trong hoàn cảnh nào.
Michel Berger từ trần, để lại nhiều dự án dở dang, trong đó có kịch bản phim (mà anh đang viết với tác giả Jacques Kerchache). Ngoài ra còn có một số ca khúc tiếng Anh mà anh đang soạn cho một cô gái trẻ tuổi (Barbara Grimm). Theo Yves Bigot, cô gái này là người yêu mới của Michel Berger. Tuy còn làm việc chung với France Gall, nhưng có thể nói là cặp vợ chồng này sau gần 20 năm chung sống, trong thực tế đã ly thân. Trả lời phỏng vấn đài RFI, tác giả Yves Bigot trước hết nói về vị trí của Michel Berger trong làng nhạc Pháp.
Michel Berger đã hiện đại hóa lối sáng tác ca khúc tiếng Pháp, ngay từ năm 1972 với tập nhạc Amoureuse, mà anh thực hiện phần hòa âm phối khí cho nữ ca sĩ Véronique Sanson. Hai nghệ sĩ này đột ngột chia tay nhau mà không một lời giải thích. Vào thời đó, album này có sắc thái âm thanh mới lạ, chủ yếu vì Michel Berger hấp thụ ảnh hưởng của các nghệ sĩ Anh Mỹ, giúp cho nhạc nhẹ trở nên tân kỳ hơn.
Có thể nói là nhờ Michel Berger, mà hai thần tượng nhạc trẻ những năm 1960 là France Gall và Françoise Hardy tiếp tục thành công trong giai đoạn thứ nhì của sự nghiệp. Theo Françoise Hardy, Michel Berger có cái tài soạn giai điệu, mà ít có tác giả nào cùng thời sánh bằng. Số lượng ca khúc ăn khách mà anh đã viết lên đến hơn 50 chục bài, chỉ riêng trong những năm 1980, trong đó có một nửa là do France Gall trình bày.
Michel Berger cũng như Serge Gainsbourg đã mở đường cho nhiều nghệ sĩ (tiêu biểu nhất là Jean Jacques Goldman và Pascal Obispo) lối sáng tác gần gũi với phong cách của người diễn đạt nhưng đồng thời giúp cho ca sĩ thay đổi hình ảnh của họ. Michel Berger cũng là một trong những người đầu tiên từ cuối những năm 1970, đặt nền móng cho phong trào ca nhạc kịch gọi là opera rock ở Pháp. Nhờ vào tầm nhìn xa, mà vở ca nhạc kịch Starmania mà Michel Berger đã sáng tác cùng với Luc Plamondon cho tới nay vẫn mang tính thời sự.
Sinh trưởng  trong một gia đình trí thức và giàu có : thân phụ là một bác sĩ nổi tiếng (ông Jean Hamburger là người đầu tiên vào năm 1952, thành công trong việc ghép thận), còn thân mẫu là một nghệ sĩ dương cầm cổ điển (bà Annette Haas), Michel Berger từ thuở thiếu thời học rất giỏi : đậu bằng tú tài năm 16 tuổi, tốt nghiệp đại học năm 20. Nhưng đam mê đầu đời của Michel Berger vẫn là âm nhạc : anh ra mắt đĩa hát đầu tay lúc anh mới 15 tuổi, và luận án tiến sĩ của anh mang tựa đề Thẩm mỹ trong nhạc pop. Tác giả Yves Bigot nhận xét :
Michel Berger được xem như là em út, vì anh nhỏ tuổi hơn các ca sĩ thuộc phong trào nhạc trẻ những năm 1960, thời của chương trình Salut les Copains. Anh ghi âm bài hát đầu tay vào năm 1963 (Michel Berger lúc đó mới 15 tuổi), cùng lúc với các nghệ sĩ như Françoise Hardy, Sylvie Vartan và Johnny Hallyday. Chính cũng vì thế mà anh có mặt trên bức ảnh chụp rất nổi tiếng (của Jean Marie Perrier) tập hợp tất cả các nghệ sĩ khởi nghiệp vào những năm 1960.
Nhưng 4 năm sau, Michel Berger tạm ngưng sự nghiệp ca hát, vì anh thấy rằng tài nghệ cũng như kinh nghiệm của anh còn quá non nớt so với các nghệ sĩ Anh Mỹ mà anh hằng ngưỡng mộ (tiêu biểu nhất là Ray Charles, Jefferson Airplanes Jimi Hendrix và nhóm The Beatles). Anh sang Mỹ một thời gian để học tập sáng tác. Trở về Pháp, anh làm việc cho một hãng phát hành đĩa nhạc (Pathé Marconi).
Chính trong chuyến đi Mỹ mà Michel Berger khám phá dòng nhạc funky soul của trường phái New Orleans, với lối nhấn nhịp rất đặc biệt trong tiết tấu, giai điệu. Gợi hứng từ đó, mà Michel Berger thay đổi phong cách sáng tác để cho ra đời hàng loạt ca khúc ăn khách từ đầu những năm 1970 trở đi.
Nhắc đến Michel Berger, thì ta liên tưởng ngay tới France Gall vì cô được xem như là nghệ sĩ ruột của tác giả, trình bày khá nhiều ca khúc của anh trước khi hai người thành vợ chồng. Báo chí đã thêu dệt mối tình của họ khá lãng mạn và thơ mộng. Nhưng thực tế không như vậy. Ông Yves Bigot cho biết hai nghệ sĩ này đã gặp nhau trong hoàn cảnh nào.
Ca sĩ France Gall tình cờ khám phá bài hát của Michel Berger, trước khi gặp mặt tác giả. Theo lời thuật lại, cô đang lái xe đến nhà một người bạn thì bỗng nhiên trên sóng radio có phát ca khúc Attends Moi (Hãy chờ ta) của Michel Berger. Khi nghe được bài này với giai điệu piano chậm rãi khoan thai, mang nhiều ảnh hưởng của Elton John, France Gall thật sự có cảm tưởng là bài hát nói lên tâm sự của chính mình, như thể tác giả thì thầm nhắn nhủ với cô một điều gì đó.
Bằng mọi cách, France Gall tìm gặp Michel Berger để thuyết phục anh sang tác cho mình. Như vậy, France Gall và Michel Berger gặp nhau trong hoàn cảnh nghề nghiệp. Từ chỗ làm việc với nhau lâu ngày, mới nảy sinh tình cảm quý mến nhau. Nhờ tác giả Michel Berger, mà France Gall đã thay đổi hình ảnh, mở ra một giai đoạn thành công thứ nhì, vì sau 10 năm tham gia phong trào nhạc trẻ, sự nghiệp của cô vào năm 1972 đang dẫm chân tại chỗ. Nếu không có Michel Berger, thì tài năng của cô sẽ khó mà có cơ hội tỏa sáng trong vòng hai thập niên liên tục cho đến ngày tác giả này đột ngột từ trần.
Hai mươi năm sau ngày nhạc sĩ Michel Berger qua đời, tác giả này đã để lại những gì ? Và trong số các nghệ sĩ trẻ tuổi của Pháp thời nay, gương mặt nào được xem như là người thừa kế xứng đáng hơn cả nhất. Nhà báo Yves Bigot cho biết như sau :
Các sáng tác của Michel Berger nhìn chung đa dạng và phong phú hơn nhiều so với cái hình ảnh mà người ta thường gán ghép cho anh. Khi nhắc tới anh, người ta thường nghĩ tới những bản nhạc ăn khách, ca từ dễ nghe, giai điệu dễ nhớ. Nhưng sáng tác của anh còn bao gồm nhạc phim (5 album), nhạc hoà tấu, nhạc thử nghiệm. Giới phê bình thường xếp anh vào hàng các tác giả nhạc nhẹ, mà lại chóng quên rằng anh gợi hứng từ các bậc thầy đến từ nhạc rock và nhạc soul.
Tại các nước Anh Mỹ, các nghệ sĩ rock có thể hát lại nhạc của Elton John, điều đó không thành vấn đề. Ngược lại tại Pháp, các nghệ sĩ chuyên hát ca khúc của Michel Berger thường là ca sĩ nhạc nhẹ, còn ca sĩ nhạc rock thì lại thiên về Alain Bashung. Trong số các nghệ sĩ trẻ tuổi của Pháp thời nay, thật ra thì không có ai là người thừa kế Michel Berger một cách trực tiếp. Một số nhà phê bình nhắc đến ca sĩ kiêm tác giả Benjamin Biolay, nhưng theo tôi nghĩ thế giới âm nhạc của Benjamin Biolay gần với Serge Gainsbourg nhiều hơn là với Michel Berger.
Thật ra có một gương mặt mà về tư tưởng và phong cách soạn nhạc, rất gần với Michel Berger. Đó là Daniel Balavoine. Nhờ vở kịch Starmania mà Daniel Balavoine sau đó rất nổi danh trong làng nhạc. Có thể nói là cả hai nghệ sĩ này đến từ cùng một gia đình, khác nhau hay chăng là ở chỗ tánh tình. Michel Berger trong sáng tác nhắm tới sự cân đối hài hoà, còn Daniel Balavoine thì lại muốn bày tỏ nhiệt huyết bồng bột của tuổi trẻ. Tuy nhỏ hơn Michel Berger 5 tuổi, nhưng Daniel Balavoine lại từ trần quá sớm do tai nạn, vào năm 34 tuổi. Nhưng có lẽ cũng vì thế mà họ có một chỗ đứng riêng biệt trong làng nhạc Pháp.

No comments:

Post a Comment