Search This Blog

Wednesday, August 29, 2012

Cấp cứu ở Pháp .

Chủ Nhật, 04/09/2011 08:07

Nhận xét : ỡ Mỹ cũng như vậy .- Trần anh Tú .

====
Mình đã sang Pháp được một tháng và đang ở khoa cấp cứu ban đầu: thực chất là phòng khám cấp cứu gồm cấp cứu ngoại và cấp cứu nội. Bệnh nhân có thể tự đến, nhưng thông thường, trước khi đến, họ hỏi bác sĩ riêng của họ trước (bác sĩ gia đình) hoặc gọi điện đến số cấp cứu của bệnh viện (trưởng khoa thường là người trực tổng đài và tư vấn, điều phối bệnh nhân). Tất cả mọi người, dù đang ở đâu, làm gì, khi có vấn đề về sức khỏe, chỉ cần báo đến số điện thoại cấp cứu, sẽ được tư vấn: nhẹ thì tư vấn tại chỗ, nặng hơn thì được yêu cầu vào viện, nặng nữa thì cho ambulance (xe cấp cứu) đến đón hoặc helicopter (trực thăng) nếu cần. Bạn không cần nhờ đến bất kỳ ai, dù bạn ở một mình, đang đi công chuyện một mình hay gặp nạn ở đường phố..., chỉ cần giữ một số điện thoại cấp cứu bên mình là bạn hoàn toàn yên tâm sẽ được chăm sóc khi cần thiết. Là công dân Pháp thì chi phí sẽ được bảo hiểm thanh toán hết. Vào bệnh viện, bạn cũng không cần đến người nhà ngay lập tức, các nhân viên sẽ giúp đỡ bất kỳ ai có vấn đề sức khỏe cần tới họ. Đó là nghề nghiệp, họ được trả lương để làm việc đó.
Tôi đã từng đi theo helicopter chuyển viện một bệnh nhân nặng, 200km đi trong vòng 45phút ! Tôi được chứng kiến một trường hợp cấp cứu tại chỗ: bà cụ khoảng 70 tuổi, đi một mình từ Paris đến Toulous, mới qua chừng Orlean thì đau ngực, nhà tàu gọi đến Bệnh viện Chatearoux là nơi gần nhất tàu sẽ đến, một xe cấp cứu gồm một bác sĩ, một y tá và một lái xe tới ngay ga, chuẩn bị mọi thứ xong khoảng 10 phút sau thì tàu mới đến. Bà tỉnh táo, tiếp xúc bình thường, bị đau ngực trái. Bà được đưa lên cáng, vào tạm chỗ chờ tàu để kiểm tra: huyết áp bình thường, điện tim được làm tại chỗ cho thấy nhịp nhanh kịch phát trên thất 180-190 lần/phút, một đường truyền tĩnh mạch được thiết lập sau khi lấy máu kiểm tra các thông số cơ bản. Bệnh nhân được thở ôxy trước khi đưa lên xe cấp cứu. Tại đây, bà được làm thêm siêu âm tim, doppler mạch cảnh và dùng thuốc làm chậm nhịp tim lại. Tất cả đều được tiến hành trên xe cấp cứu. Các nhân viên y tế vừa làm vừa động viên bà vì bà chỉ đi có một mình, không có người nhà bên cạnh. Việc đeo mặt nạ thở oxy khiến bà khó chịu, bác sĩ và y tá phải thuyết phục mãi. Sau đó, bà được đưa về bệnh viện và chuyển đến khoa hồi sức theo dõi.
 Chuẩn bị các phương tiện cần thiết để cấp cứu tại chỗ.
Việc cấp cứu tại chỗ rút ngắn được rất nhiều thời gian đến bệnh viện, hơn nữa giúp bệnh nhân được xử lý nhanh, kịp thời với đội ngũ nhân viên y tế chuyên nghiệp, tạo điều kiện tối ưu cho bệnh nhân cũng như người nhà. Tương tự như vậy với việc cấp cứu tại nhà, tại trường học... khi bạn bị đau ốm nặng hoặc các trường hợp khẩn cấp, nhất là khi không có ai bên cạnh.
Việc tổ chức cấp cứu ngoại viện cần tới một đội ngũ chuyên nghiệp về trình độ chuyên môn, phối hợp ăn ý, lái xe cũng được đào tạo để dùng vào việc chuyên môn như có thể biết đặt điện cực tim nếu cần... Ngoài ra, cần một xe cấp cứu chuyên dụng, trên đó có đầy đủ phương tiện máy móc và thuốc men cần thiết dùng trong cấp cứu.
Cứu người cũng như cứu hỏa, sự chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng là điều kiện quan trong cho sự cấp cứu thành công. Mong rằng một ngày nào đó, Việt Nam cũng có thể làm được như vậy.
  ThS. Lê Ðình Hưng

No comments:

Post a Comment