SỐNG VÀ CHẾT .
....
Sống chết tuy là quá trình tự nhiên nhưng lại là điều kỳ diệu khi hiểu rằng sự sống và cái chết luôn sóng đôi bên nhau. Đối với chúng ta kẻ phàm phu, chết không hề là vấn đề đơn giản dễ dàng đón nhận.Theo giáo lý Mật tông được ghi trong Tạng như sống chết, thời kỳ hấp hối là giai đoạn cực kỳ nhạy cảm, mọi bộ phận của cơ thể đang dần tan, rút ra khỏi mọi giác quan cho đến cuối cùng rút lui khỏi hạt giống, điểm sâu kín nhất ( chủng) mà chúng ta nhận được từ cha mẹ. Sau cùng sự phân hủy tăng dần đến mức rất cao, dẫn đến sự đau đớn thể xác và đau khổ tột cùng về tâm thức. Trong giây phút hiện thực con người là một điểm động, hệ quả của hành động bản thân chịu tác động của môi trường chung quanh, của nhiều kiếp trước có thể có khởi điểm từ bao lâu không rõ. Mặt khác, hành động do mình khởi xướng lại tác động vào thế giới và thế hệ mai sau… Chết là trở về, con người sẽ phải trả lại cho trần gian tất cả những gì đã tạm vay mượn lúc sinh thời: tiền bạc, công danh, phú quý cùng với mọi buồn vui, sướng khổ, và hành trang duy nhất ta có thể mang theo, và phải mang theo, trên đường trở về cũng chính là những gì ta đã mang vào đời, khi vừa lọt lòng mẹ: Nghiệp! Trên đường trở về đó, hành trang kia sẽ nặng hơn hay nhẹ hơn đều hoàn toàn tùy thuộc vào những hành động ta đã tạo khi còn tại thế.Chính tác động của hành vi có ý thức, tạo ra biệt nghiệp cho riêng mình, chịu tác động đồng thời tạo ra cộng nghiệp chung cho xã hội và loài người. Nghiệp đặt vai trò và vị trí của mỗi cá nhân trong vũ trụ, trong dòng tiến hóa của sinh vật, trong nhân loại trước kia hôm nay và mai sau! Qua hành động mà không ai tránh được cái ”nghiệp” ràng buộc theo quy luật nhân duyên cá nhân với toàn thể loài người, toàn thể sinh vật.
Ở đây, trước sự sống và cái chết , rõ ràng không hề thấy bóng dáng của bất kỳ một quyền năng tối thượng nào, cho dù với danh xưng là Trời, là Chúa, hay là Thượng đế. Kể cả Chư Phật, chư Bồ-tát cũng không thể can dự vào hành trình sống chết.Chỉ có sự nghiệp lực! sống thế nào thì chết như thế đó! Cái chết an lành chỉ đến với ai đó có đời sống bình an! Thực tập tinh thần vô úy của Phật giáo chính là chuẩn bị cho cái chết ngay khi đang sống.Chuẩn bị những gì? Phật dạy hành Tứ vô lượng tâm ( từ, bi, hỷ, xả) và Lục độ( bố thí, trí giới, nhẫn nhục, tinh tấn, trí tuệ, thiền định) trong mọi lúc, mọi nơi, nhất là khi còn bình thường khỏe mạnh, để huân tập thiện nghiệp, là trang bị tư lương để lên đường vững chãi! Đó là thái độ tỉnh thức của kẻ trí. Đức Phật, bậc Đạo sư giác ngộ đã khai mở chân lý duyên sinh, duyên khởi…với con đường Bát chánh đạo giúp chúng sinh đoạn trừ vòng nhân duyên trói buộc đưa đến giải thoát sinh tử luân hồi. Mặt khác, trước vô số chúng sinh do vô minh vọng chấp còn tạo nghiệp lực khổ đau, Bồ-tát với tinh thần tự tại vô ngại và đại nguyện từ bi, chủ động trước tiến trình sống chết, chua chịu nhập Niết- bàn, tự nguyện ở lại cõi trần cứu độ chúng sinh. Đó là liễu nghĩa sinh tử, là khả năng giải thoát sống chết của con người theo lời Phật dạy!.
Nguồn: Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo 120
No comments:
Post a Comment